Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 01/2015)

Go down

Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 01/2015) Empty Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 01/2015)

Bài gửi by Đoàn Minh Fri Feb 27, 2015 3:00 am

1/ Chậm trả lương vì thủ tục bắt đầu năm tài khóa mới

Theo Bộ Tài chính, việc chậm trả lương cho cán bộ công chức (CBCC) hiện nay là do thủ tục năm tài khóa mới bắt đầu từ tháng 10/2014.
Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề nêu lên qua đường dây nóng của Quốc hội, Vụ trưởng Ngân sách, Bộ Tài chính, TS. Bounleua Sinxaivoravong cho biết việc chậm trả lương không phải là do hạn chế ngân sách. Bộ Tài chính đã có thể chuyển tiền để trả lương cho CBCC thường xuyên và đúng hạn từ tháng 6/2014. Việc chậm trả lương đối với CBCC ở một số cơ quan là do thủ tục thông thường, đòi hỏi phải có nhiều công đoạn của việc bắt đầu một năm tài khóa mới, bao gồm cả việc thanh toán tiền lương.
Ví dụ, đối với năm tài khóa này, sau khi được Quốc hội phê chuẩn ngân sách vào tháng 7, Bộ Tài chính đã phân bổ ngân sách cho các Bộ và tỉnh. Các cơ quan nhà nước được thông báo ngân sách vào đầu tháng 10 – tháng đầu tiên của năm tài khóa. Sau khi nhận thông báo ngân sách, các Bộ và tỉnh phải tổ chức việc phân bổ ngân sách cho các cơ quan trực thuộc. CBCC được tuyển dụng vào đầu năm tài khóa, thay đổi về nhân sự phải trình Cơ quan Nội vụ để tính toán tiền lương … Tất cả những thủ tục đó đều mất thời gian và làm chậm trả lương.
TS. Bounleua cho biết thêm rằng, trước đây, CBCC đã trải qua tình trạng chậm lương vì hạn chế ngân sách do mức tiền lương và trợ cấp tăng đột ngột trong năm tài khóa 2012-13 và 2013-14. Lương cơ bản đã tăng từ 3.500 Kíp năm TK 2012-13 lên 4.800 Kíp trên mỗi hệ số, mỗi năm, sau đó tương tự lại tăng tiếp lên 6.700 Kíp trong năm TK 2013-14. Mức tăng này đã làm cho tổng mức tiền lương vượt quá 50% tổng thu trong nước trong năm tài khóa 2013-14. Trong khi đó, ở các nước khác con số này không vượt quá 40%. (Vientiane Times, 21/01/2015)

2/ Tăng lương tối thiểu có hiệu lực từ tháng 3/2015

Ông Phongsaysak Inthalat, Vụ trưởng Vụ Quản lý lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội cho biết Chính phủ đã đồng ý tăng lương tối thiểu hàng tháng lên 30% từ 626.000 kíp lên 900.000 Kíp. Mức lương mới sẽ được áp dụng từ tháng 3/2015.  Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội  đã đề xuất tăng lương trong phiên họp của Chính phủ vào tháng trước. Mức tăng này sẽ giúp cho lương cơ bản của Lào tương quan với các nước láng giềng như Việt Nam và Campuchia. Theo Bộ này, các nước trong ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia và Campuchia đang xây dựng luật mới để tăng lương cơ bản khoảng 20-30% so với năm trước. Một số nước ASEAN khác như Brunei và Singapore chưa ban hành chính sách tăng lương mới. Tại Singapore, lương tối thiểu tương đương 6 triệu kíp và Brunei là 13 triệu kíp. Myanmar có mức thấp nhất trong khối là 450.000 kíp. (KPLNews – 15/01/2015)

3/ Thành tựu phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào

Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị thường kỳ của Đảng bộ Bộ Giao thông Công chính ngày 7/1/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone đã bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao những thành tựu của ngành giao thông, vận tải trong cả nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh thành công của ngành trong việc tập trung ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối với các nước trong khu vực thông qua các Hành lang Kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam; hoàn thành việc nâng cấp và xây mới các con đường ở Viêng Chăn và các tỉnh, đặc biệt là những con đường nối biên giới, liên tỉnh, liên bản và các địa bàn mới phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông thôn. Các dự án xây dựng cầu, đường trong cả nước đang được thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng cao hơn.
Hiện nay Lào có tổng số độ dài đường bộ là 45.825 Km, so với 43.600 Km năm 2013. Việc bảo dưỡng và sửa chữa đường được đảm bảo tốt, đặc biệt là các quốc lộ bị hư hỏng do thiên tai, sạt lở và ngập lụt trong mùa mưa. Trong thời gia qua, việc xây dựng cầu quốc tế thứ tư Lào – Thái Lan bắc qua sông Mê Kông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; việc kè bờ sông ở Viêng Chăn và huyện Tonpheung, tỉnh Bò Kẹo với tổng chiều dài 145 Km cũng là một thành công đáng ghi nhận; hoàn thành nâng cấp sân bay quốc tế Wattay ở Thủ đô Viêng Chăn và hai tỉnh Luang Prabang và Champassak. Các dự án thí điểm trong khuôn khổ phong trào 3-xây đã được thực hiện nhằm khuyến khích các tỉnh trở thành các đơn vị chiến lược, các huyện mạnh hơn và các bản thành các đơn vị phát triển. (Vientiane Times, 8/01/2015)

4/ Bắt đầu giai đoạn II của dự án thủy điện Xayabouri

           Giai đoạn II của dự án thủy điện Xayaburi trên sông Mê Kông đã được bắt đầu với việc xây các dựng đập vây tại tỉnh Luang Prabang.
Việc hoàn thành giai đoạn I của dự án tại tỉnh Xayabouri cho phép các kỹ sư chuyển dòng chảy sang đập tràn. Lễ chuyển hướng dòng sông được tổ chức tại công trường, tỉnh Xayabouri với sự tham dự của Chủ tịch Choummaly Sayasone, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavat, các bộ trưởng và thứ trưởng, các tỉnh trưởng và phó tỉnh trưởng; đại diện của Công ty TNHH Điện Xayabouri và quan chức của các bộ ngành liên quan. Phát biểu tại buổi lễ, PTT Somsavat nói rằng dự án đưa lại lợi ích cho nhân dân Lào đồng thời không gây tác động tiêu cực đối với các nước hạ nguồn sông Mê Kông.
Đại diện Công ty TNHH Điện Xayabouri nói rằng, dòng chảy của sông nay đã chuyển sang đập tràn và kênh dành cho thuyền qua lại. Vào giữa năm nay, việc xây dựng nhà máy điện và đường cá đi sẽ được bắt đầu triển khai. Giai đoạn 2 của việc di dời cũng sẽ được bắt đầu và thêm 06 bản sẽ được tái định cư.
Xayabouri là dự án thủy điện đập tràn đầu tiên được xây dựng ở Hạ lưu sông Mê Kông. Đập nước có chiều cao 35m và dài 820m với công suất lắp đặt 1.285 MW, sản lượng trung bình hàng năm là 7.406 GWh.
Việc xây dựng Xayabouri được bắt đầu vào tháng 12/2012, bao gồm xây dựng các đập vây, đập tràn, kênh thuyền qua và khối chắn trực tiếp. Đến tháng 12/2014, kênh thuyền qua lại và đập tràn đã hoàn thành, 09 bản đã được tái định cư.
Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào hoạt động kinh doanh vào năm 2019. Thời hạn vận hành theo hợp đồng nhượng quyền là từ 2019-2048, sau đó sẽ chuyển giao cho Chính phủ Lào. 90% điện sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan để thu ngoại tệ. Với 6.985 GWh bán sang Thái Lan và 420 GWh cung ứng nội địa mỗi năm. Thời kỳ cao điểm xây dựng, dự án sẽ huy động 10.000 công nhân, chủ yếu là người Lào. Chính phủ mời các chuyên gia nổi tiếng thế giới tham gia xây dựng dự án Xayaburi như một mẫu hình phát triển thủy điện bền vững. Các quy trình xây dựng và vận hành của dự án đều theo hướng dẫn quốc tế về bảo vệ môi trường, quy định về an toàn và các chương trình kinh tế - xã hội.
Dự án không những có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lào mà còn góp phần phát triển cộng đồng ở các tỉnh Xayabouri và Luang Prabang. Lợi ích kinh tế đối với Lào sẽ hơn 4 tỷ USD trong vòng 30 năm. (Vientiane Times, 27/01/2015)

5/ Lào được khuyến cáo chia sẻ dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc

Đại sứ Lào tại Trung Quốc Somdy Bounkhoum nói rằng Lào nên tìm cách để hưởng lợi từ dự án Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21 của Trung Quốc nhằm tăng cường thương mại và kết nối vùng.
Đại sứ Somdy Bounkhoum chỉ ra rằng Lào là một nước không có biển và dự án Con đường Tơ lụa chủ yếu dựa vào biển. Về kết nối vùng, Lào chủ yếu dựa vào đường sắt dự kiến Lào – Trung Quốc nhưng có thể biến điều này thành lợi thế của đất nước. Ông nói: “Chúng ta không nên khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc chơi bóng bàn với các nước khác trong khu vực. Chúng ta cần phải chuẩn bị gì đó để có thể hưởng lợi từ dự án, chẳng hạn như sẵn sàng mở cửa, phát triển các dịch vụ liên quan đến đường sắt Lào – Trung Quốc”; Lào sẽ hỗ trợ dự án con đường tơ lụa bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân đến đầu tư tại Lào, tiếp cận, khai thác các tiềm năng phát triển tại đây.
Tháng 12/2014, tại Diễn đàn Hợp tác Truyền thông 10+3 lần thứ 7 tại Bắc Kinh, giới truyền thông khu vực đã được giới thiệu về dự án Con Đường Tơ lụa Thế kỷ 21. Nhân dịp đó, phóng viên Vientiane Times đã có buổi gặp gỡ với GS. Ding Jifan, Viện Phát triển Thế giới, Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Ủy ban Quốc vụ viện Trung Quốc để trao đổi về dự án.
GS. Dinh nói rằng sự kết nối của Lào với Con đường Tơ lụa thông qua đường sắt cao tốc nối Trung Quốc với Lào và các nước khác trong khu vực. Mạng lưới đường sắt châu Á sẽ đi qua Lào và Lào sẽ là điểm trung chuyển cho việc đi lại đến Campuchia,Thái Lan và các nước khác, vì vậy sẽ tạo ra cơ hội cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ dọc theo tuyến đường sắt.
“Trung Quốc đang trong quá trình phát triển nhanh mà phương Tây gọi là sự nổi lên của Trung Quốc, trong khi đó người Trung Quốc gọi đó  là sự trẻ hóa nền văn minh Trung Hoa. Việc làm hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ đại là một phần trong hồi sinh nền văn minh Trung Hoa”.
Từ khi mở cửa cho thế giới, phát triển của Trung Quốc chủ yếu bắt đầu ở các tỉnh duyên hải và sự chênh lệch vùng đang ngày càng lớn. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang có chủ trương cân đối lại phát triển theo vùng lãnh thổ. Trong Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, hơn 4600 Km2 sẽ nằm trong các tỉnh nội địa ở phía Tây. Việc hồi sinh Con đường Tơ Lụa đòi hỏi đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực mà sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc.  (Vientiane Times, 22/01/2015)

6/ Thủ đô Viêng Chăn chú trọng quản lý đầu tư trong lĩnh vực khai thác mỏ

Tại cuộc họp tổng kết năm, ông Xonglao Yongnou, Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ thủ đô Viêng Chăn cho biết chính quyền luôn quan tâm đến quản lý và kiểm soát số lượng dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và mỏ. 97 công ty trong nước và nước ngoài đã được cấp phép với tổng đầu tư hơn 1.000 tỷ kíp (123 triệu USD). Ngoài ra, có 3 dự án thăm dò mỏ với tổng vốn đầu tư  403,75 tỷ kíp (50 triệu USD). Năm trước, Sở đã cấp phép cho 17 dự án mới với tổng vốn đầu tư 59 tỷ kíp (7 triệu USD) và gia hạn giấy phép cho một số dự án. (KPLNews – 26/01/2015)

7/ Lào xác định Cà phê là mặt hàng chiến lược

Theo Bộ Nông – Lâm, Lào xác định cà phê là mặt hàng chiến lược trong phát triển kinh tế xã - hội của đất nước.
Tổng diện tích trồng cà phê ở Lào hiện nay khoảng 87.000 héc-ta, trong đó, 77.000 ha được trồng trên cao nguyên Bolaven màu mỡ; tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn mỗi năm, trong đó, khoảng 30.000 tấn cà phê nhân và cà phê xay được xuất khẩu với kim ngạch trên 70 triệu USD/năm.
Năm 2014,  để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và chuẩn bị cho các nhà sản xuất và chế biến cà phê sẵn sàng tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như thành viên Hiệp Hội Cà phê Quốc tế (ICO), Lào đã cử 58 công ty tham gia hội chợ cà phê quốc tế. (Vientiane Times, 23/01/2015)

8/ Lào, Trung Quốc tăng cường hợp tác an ninh biên giới

Sở An ninh Phongsaly và công an thành phố Pu’er, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thành công trong việc phối hợp thực chiến dịch truy quét các loại tội phạm như buôn bán ma túy, vũ khí, mua bán người, di cư và kết hôn trái phép. Trên cơ sở thành công của chiến dịch, hai bên đã thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác về thực thi luật pháp trên địa bàn dọc theo biên giới hai tỉnh Phongsaly và Vân Nam.
Thỏa thuận đã được ký kết giữa đại diện Sở An ninh Phongsaly, Đại tá Chenkhamleck và đại diện sở Công an thành phố Pu’er, Đại tá Phiset Yinxonyong.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác để tiếp tục đập tan các mạng lưới tội phạm và giải quyết các vấn đề buôn bán và di cư trái phép. Một phần cấu thành của thỏa thuận là nếu tội phạm từ Trung Quốc bị bắt ở Lào hoặc ngược lại thì cơ quan thực thi pháp luật ở nước này sẽ thông báo cho phía bên kia biết trong vòng 07 ngày về việc bắt giữ công dân. (Vientiane Times, 7/01/2015)

9/ Liên doanh sản xuất cáp truyền tải điện

Ngày 09/1, tại thủ đô Viêng Chăn, Doanh nghiệp lắp đặt và xây dựng điện (ECI) nhà nước và Tập đoàn Zheng Xiao của Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi thành lập liên doanh sản xuất cáp tải điện. Nhà máy này sẽ sản xuất cáp 155KV – 500 KV gồm cả cáp điện áp thấp và trung bình để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Chứng kiến lễ ký có ông Thongphath Inthavong, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Năng lượng và Mỏ. (KPLNews – 14/01/2015)

10/ Lào – Thái Lan dự kiến hoàn thành phân giới vào năm tới

Tuần vừa qua tại thủ đô Viêng Chăn, đã diễn ra Hội nghị Ủy ban liên hợp biên giới Lào – Thái. Chính phủ hai nước Lào và Thái Lan dự kiến hoàn thành khảo sát đường biên và phân định biên giới trên bộ vào năm tới và hoàn thành phân định đường biên trên sông vào năm 2018. Tại hội nghị, hai đoàn đã thông báo về các kết quả ban đầu trong xây dưng bản đồ tỉ lệ 1/25.000 biên giới chung dọc sông Mê Kông, các biên bản của 4 hội nghị trước, tạo lập đường biên giới tại các khu vực thay đổi, khảo sát chi tiết và sơ đồ các khu vực đã thay đổi, phá dỡ và xây dựng thêm. Hơn 90% biên giới đất liền giữa Lào và Thái Lan đã được phân định. Kể từ khi tiến hành khảo sát liên hợp biên giới vào tháng 5/1997 đến nay, hai bên đã cắm 210 cột mốc biên giới trên chiều dài 676 km. Tại Hội nghị, hai đoàn đã nhất trí thông qua biên bản của cuộc họp, tiểu ban kỹ thuật liên hợp Lào Thái lần thứ 12, cắm bổ sung 6 cột mốc, định vị bằng GPS các cột bị hỏng trên biên giới Lào và hướng dẫn khảo sát bổ sung trên khu vực phía Nam của Nongbua. Ngoài ra, hai bên đã nghiên cứu giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới như phân giới trên sông Nam Heuang, Houay Don và Vongtao-Songmek. (KPLNews – 29/01/2015)

11/ KOICA chuẩn bị triển khai Nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Viêng Chăn - Thakec - Mụ Giạ

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ cung cấp trên 10 triệu USD  (hơn 80 tỷ Kíp) ODA dành cho Lào trong năm 2015 để hỗ trợ Lào trong nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào 08 dự án, bao gồm y tế, giáo dục đại học, phát triển nông thôn và rà phá bom mìn.
Nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn – Thakek – Mụ Giạ với kinh phí 3 triệu USD (trên 24 tỷ Kíp) cũng sẽ được cung cấp, dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 2/2015.
Các chi tiết về sự hỗ trợ nêu trên được thông báo nhân chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch KOICA Kim Yong-Mok trong thời gian từ 25-28/1/2015.
Ngày 27/1/2015, ông Kim đã có buổi thăm xã giao Phó Thủ tướng Asang Laoly tại Văn phòng Chính phủ. Ông Kim đã bày tỏ lời chia buồn về sự mất mát của các nhà lãnh đạo Lào trong tai nạn rơi máy bay ở Xiêng Khoảng năm ngoái và mong muốn giúp hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất cho sân bay tại tỉnh Xiêng Khoảng. Chủ tịch KOICA cũng bày tỏ thiện chí tăng ODA của Hàn Quốc dành cho Lào trong các lĩnh vực năng lượng và đường sá để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Lào.
PTT Asang hoanh nghênh kế hoạch mở rộng hợp tác và nhấn mạnh tầm quan trọng của Hàn Quốc với tư cách là một đối tác phát triển của Cộng đồng ASEAN. Ông hứa sẽ tích cực hỗ trợ các dự án ODA của KOICA nhằm tăng cường quan hệ giữa Lào và Hàn Quốc.
Theo KOICA tại Lào, đến nay, KOICA đã cung cấp 86 triệu USD (trên 696 tỷ Kíp) cho 25 dự án tại Lào. (Vientiane Times, 28/01/2015)

12/ 112 tỷ kíp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay

Quỹ Khuyến khích và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cung cấp khoản vay lên đến 112 tỷ kíp (14 triệu USD) cho các doanh nghiệp thuộc loại này. Trong đó, 16 tỷ kíp từ Ngân sách nhà nước và 96 tỷ kíp do Ngân hàng thế giới (WB) viện trợ và cho vay. Bà Khemmany Pholsena, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thường khó cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp. Năm 2013, tín dụng cho doanh nghiệp trong nước chiếm 35% GDP tăng từ mức 21% năm 2011. Bên cạnh khoản tín dụng nói trên, Lào cũng đang chuẩn bị thành lập Quỹ bảo đảm tín dụng (Security credit) cho các ngân hàng thương mại để có thể cung cấp bảo đảm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có hoặc có ít thế chấp.  Quỹ Khuyến khích và phát triển doanh nghiệp được thành lập từ năm 2010 nhưng mới chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính từ năm 2012 thông qua Ngân hàng Phát triển Lào. Lãi xuất cho vay từ 9% - 10%/ năm. Trong năm 2013 – 2014, Quỹ đã cho 49 doanh nghiệp  vay vốn. (KPLNews – 09/01/2015)

13/ Các quan điểm khác nhau về dự án thủy điện Don Sahong

           NewAsia – Kênh tin tức truyền hình quốc tế có trụ sở tại Singapore đã có chương trình phát sóng tin tức về vấn đề nóng liên quan đến kế hoạch xây dựng đập Don Sahong tại Nam Lào. Chương trình tin tức: “Giữa hai ngả đường” được phát sóng trên Kênh NewsAsia vào tối thứ 5 (15/1/2015) và phát lại sáng và trưa thứ Sáu và thứ Bảy (16/1/2015).
           Người trình bày Teymoor Nabili chủ trì cuộc thảo luận trực tiếp về Don Sahong giới thiệu các khách mời có quan điểm chống lại việc xây đập – Ame Trandem, Giáo sư khoa học chính trị Australia Carl Thayer và đại diện Chính phủ Lào, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Viraphonh Viravong. Các khách mời được phỏng vấn qua Skype.
Bà Trandem, Giám đốc Chương trình Đông – Nam Á, của tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã liên tục kêu gọi Lào nghiên cứu những tác động tiềm năng của việc phát triển dự án thủy điện trong 10 năm trước khi xây dựng bất cứ đập nào trên sông Mê Kông. Bà nhắc lại tuyên bố của các nhà hoạt động môi trường rằng đập Don Sahong sẽ đe dọa sinh kế của hàng triệu người sinh sống dọc theo sông Mê Kông, phụ thuộc vào nghề đánh cá và trồng trọt.
TS. Thayer, giáo sư danh dự Trường ĐH New South Weles, nói rằng các nước hạ nguồn đang yêu cầu Lào phải chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề môi trường và pháp lý xuyên biên giới. Vấn đề này hiện đang được đặt trước Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) và có thể nâng lên cấp chính phủ.
Ông Viraphonh nói rằng dự án Don Sahong là một đập tràn tương đối nhỏ, không tích nước. Các chuyên gia quốc tế, bao gồm nhóm chuyên gia của MRC đều đồng ý rằng dự án sẽ không có tác động đáng kể lên dòng nước, chất lượng nước hay sự bồi lắng ở hạ lưu; ông nói: “Các nhà hoạt động môi trường thực sự đang trầm trọng hóa các nguy cơ khi nói rằng an ninh lương thực bị đe dọa, và rằng sẽ gây ra sự xâm nhập nước mặn hàng nghìn Km. Những đe dọa về môi trường mà Tonle Sap của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phải đối mặt không hề liên quan đến đập Don Sahong hay bất kỳ một dự án thủy điện nào ở Lào”.
“Người ta nói rằng, Lào nên lựa chọn các phương án năng lượng thay thế khác, nhưng chúng tôi tin rằng thủy điện là phương án lựa chọn tốt nhất đối với chúng tôi. Đó là năng lượng sạch, có thể tái sinh, không gây ô nhiễm và không tiêu tốn nước. Với thủy điện, chúng tôi có thể đáp ứng các khía cạnh phát triển bền vững được quốc tế thừa nhận: về kỹ thuật, môi trường, kinh tế, và xã hội. Đó là sự lựa chọn đúng đắn đối với Lào, cũng như lựa chọn tốt nhất đối với nhân dân trong khu vực và thế giới”. (Vientiane Times, 19/01/2015)

14/ Chính phủ phớt lờ kiến nghị di chuyển trạm kiểm soát cửa khẩu của Luang Prabang

Kiến nghị của các quan chức tỉnh Luang Prabang về việc di chuyển trạm kiểm soát biên giới từ bản Naluang, huyện Phonthong sang bản Naluang không nhận được phản hồi từ Chính phủ. Một quan chức tỉnh nói với Vientiane Times rằng, việc di dời trạm kiểm soát biên giới vẫn chưa được thực hiện vì tỉnh chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của trung ương về kiến nghị của tỉnh.
Tỉnh Luang Prabang muốn xây dựng trạm kiểm soát biên giới tại bản Naluang vì trạm kiểm soát hiện nay tại Bản Nasone nằm trên địa điểm dốc gây ách tắc đối với xe cộ qua lại, xa trung tâm bản 8km, không thuận tiện cho việc phục vụ. Trong khi đó, địa điểm tại bản Naluang có mặt bằng phù hợp, thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trạm xăng, chợ, khách sạn, và các cơ sở hạ tầng giao thông khác cần thiết đối với một cửa khẩu biên giới. Theo kiến nghị của tỉnh, Naluang là địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng cửa khẩu quốc tế mới và là một phần trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Bộ Giao thông Công chính đã ký một MOU với đối tác Việt Nam về việc xây dựng một con đường mới nối Phounthipheuang và Nasone với biên giới Lào – Việt Nam. Đường dài 104,7km dự kiến sẽ vòng qua trung tâm huyện Phonthong để tránh tắc nghẽn giao thông. Việc xây dựng con đường này, với mặt đường rải nhựa hai lớp, dự kiến sẽ được bắt đầu sớm trong năm nay.
Luang Prabang là tỉnh có chung đường biên giới với tỉnh Điện Biên của Việt Nam.  (Vientiane Times, 30/01/2015)

15/ Dự án Trung tâm tài chính quốc tế trị giá 5 tỷ USD bắt đầu được triển khai

Bảy héc-ta đất đang được giải phóng mặt bằng tại Đặc khu kinh tế (SEZ) Thakhaek, tỉnh Khammuan để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế Thakheak Ehsan với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5 tỷ USD.
Lễ khởi công dự án đã được tổ chức vào tháng 11/2014, nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường đang được thực hiện. Đây là dự án liên doanh của 06 nhà đầu tư, bao gồm Công ty TNHH Akane Farm Sole, chiếm 30% cổ phần dự án; 03 nhà đầu tư Malaysia chiếm 25% cổ phần; 01 nhà đầu tư Thái Lan chiếm 20% cổ phần; 5%% cổ phần còn lại do 01 nhà đầu tư Lào sở hữu. Các nhà đầu tư đang trong quá trình thành lập một công ty dăng ký với ten gọi: “Akane Farm Co. Ltd” để thực hiện dự án. Chủ tịch công ty TNHH Akane Farm Sole Somjith Aliayaphaphone nói rằng khi báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thành, các nhà đầu tư sẽ xin phê duyệt của Chính phủ và Ngân hàng TW Lào. Tuy nhiên ông không thể nói chính xác là lúc nào sẽ có giấy phép phê duyệt.
Các nhà đầu tư đã công bố kế hoạch xây dựng Disney đầu tiên của Lào trong giai đoạn II của dự án; siêu khu đô thị và cộng đồng dân cư trong giai đoạn III của dự án – tất cả đều nằm trong SEZ Thakhaek. Hợp đồng tô nhượng đất để triển khai giai đoạn II và III của dự án sẽ được ký bổ sung với diện tích tăng thêm là 500 ha. Thời gian tô nhượng đất của toàn bộ dự án là 75 năm, gia hạn 15 năm.
Toàn bộ công việc xây dựng của ba giai đoạn dự kiến sẽ hoàn thành trong 7 năm – 02 năm đầu là xây dựng trung tâm tài chính, 02 năm tiếp theo xây dựng giai đoạn II và giai đoạn III là 03 năm. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ 03 giai đoạn của dự án ước tính khoảng 10 tỷ USD, lớn hơn dự án đường sắt Lào – Trung Quốc (7 tỷ USD), không kém mấy so với tổng GDP của Lào (khoảng 12 tỷ USD).
Dự án đang là chủ đề nóng, gây nghi ngờ đối với công chúng về tính khả thi của một siêu dự án trong một đất nước có thị trường nhỏ bé. CEO của TNHH Akane Farm Sole cho rằng, mặc dầu thị trường của Lào nhỏ nhưng đất nước có vị trị chiến lược, được bao quanh bởi 05 nước phát triển nhanh là Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc. Lào là thành viên  của ASEAN, có nhiều cơ hội hợp tác nội khối ASEAN và với các đối tác bên ngoài. (Vientiane Times, 12/01/2015)

16/ Hàng không Lào sẽ bắt đầu mở đường bay đến Attapeu vào tháng 4-2015

Hành khách có thể có lựa chọn mới cho chuyến đi của mình từ Viêng Chăn đến tỉnh Attapeu khi hãng hàng không Lao Airlines bắt đầu khai thác tuyến mới này vào tháng 4/2015.
Đại diện Lao Airlines, bà Phuttasone Vannasack nói với Vientiane Times rằng dịch vụ sẽ bắt đầu trước Tết Lào (2/4). Lao Airlines sẽ vận hành hai chuyến bay/tuần giữa Viêng Chăn và Attapeu, đó sẽ là tin tốt cho mọi người muốn tiết kiệm thời gian. Hiện nay đi lại giữa Viêng Chăn và Attapeu phải mất 1,5 ngày bằng ô tô buýt, ô tô con hoặc minibus phải mất 12 tiếng nhưng phải chạy với tốc độ 100 Km/h, rất nguy hiểm. Đi bằng hàng không sẽ mất hơn một giờ.
Việc mở tuyến hàng không nội địa của Lao Airlines nhằm mục tiêu tăng cường thương mại và đầu tư ở Attapeu, một tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam.
Sân bay Attapeu dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào tháng 6/2015. Sân bay nằm ở huyện Xaysettha, cách thị trung tâm thị xã khoảng 26 Km. Dự án xây dựng sân bay do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thực hiện.
Giai đoạn I của dự án có diện tích 165 ha, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng với vốn đầu tư trên 36 triệu USD, Chính phủ sẽ thanh toán cho công ty khi hoàn thành dự án.
Đường băng có chiều dài 1.850 m, rộng 30 m, thích hợp cho máy bay 70-100 chỗ ngồi.
Hiện nay, bốn tỉnh Nam Lào là Champassak, Saravan, Xekong và Attapeu, chỉ có Champassak có sân bay quốc tế. (Vientiane Times, 7/01/2015)

17/ Trang trại trồng chuối của Trung Quốc bị tố cáo làm rò rỉ hóa chất

Cư dân tỉnh Bokeo, Bắc Lào tố cáo các trang trại trồng chuối của  nhà đầu tư Trung Quốc làm rỏ rỉ hóa chất độc hại gây thiệt hại đối với cây trồng và cá nuôi trong hồ của họ.
Những người nông dân bản Phakhaoneua, huyện Houyaxai tố cáo rằng nhà đầu tư sử dụng các hóa chất độc hại ở trang trại trồng chuối và khi nước mưa làm trôi hóa chất vào đất đai của họ đã  gây thiệt hại đối với cây trồng và cá nuôi trong hồ của họ bị chết.
Các nhà chức trách chưa thể kết luận nhưng cho biết họ đang tiến hành điều tra để làm rõ sự thật. Phó Giám đốc Sở Chăn nuôi và Thủy sản, Bộ Nông Lâm, TS. Sithong Phiphakhavong nói với báo chí rằng việc xem xét, điều tra là nhiệm vụ của Sở và các cơ quan liên quan. Sở phải thu thập mẫu và phân tích để có kết quả chính xác. Để làm việc này cần phải có đầu tư vào trang thiết bị, tỉnh đã có kiến nghị trình Chính phủ.
Theo ông Sithong, các công ty Trung Quốc đầu tư vào các trang tại trồng chuối ở nhiều tỉnh của Lào, chủ yếu ở Luangnamtha, Oudomxay, Bokeo và Xayaboury, nhưng cho đến nay Bokeo là tỉnh đầu tiên có báo cáo về trường hợp nghi ngờ rò rỉ hóa chất độc hại. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng cơ quan quản lý và cán bộ kỹ thuật chưa có thanh, kiểm tra về tác động của các trang trại trồng chuối đối với các vùng phụ cận ở các tỉnh. (Vientiane Times, 20/01/2015)

18/ Viêng Chăn tiêu hủy hàng lậu

Ngày 6/1, Sở Công thương thủ đô Viêng Chăn đã tổ chức tiêu hủy hàng buôn lậu trị giá 100 triệu kíp (12.000 USD). Tổng khối lượng hàng nặng 810 kg gồm pháo Trung Quốc (20 triệu kíp), 476 thùng thuốc lá lậu (70 triệu kíp), 23kg thuốc lá dạng kẹo (1,2 triệu kíp) và sản phẩm quá hạn hơn 3 triệu kíp. Đây là các sản phẩm thu được trong các đợt kiểm tra tại cửa hàng, siêu thị, chợ tại thủ đô Viêng Chăn. (KPLNews – 14/01/2015)

19/ Cầu Mê Kông tại Luang Prabang chậm triển khai

Ông Fasanan Thammavong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Luang Prabang cho biết việc khởi công xây dựng cầu bắc qua sông Mê Kông nối thành phố Luang Prabang và huyện Chomphet của tỉnh Luang Prabang đã bị hoãn lại tới năm sau do thiếu vốn và khảo sát chậm. Theo thiết kế, cây cầu dài 1.200 m và rộng 12 m, dự kiến hoàn thành năm 2020. Khi hoàn thành cầu sẽ nối đường số 4B của huyện Chomphet tới thành phố Luang Prabang. Công ty xuất nhập khẩu và phân phối vật liệu xây dựng Leun Fat Hong của Trung Quốc đã triển khai khảo sát chậm hơn dự kiến do gặp vấn đề về kinh phí. Do đó công ty này đã yêu cầu hoãn 01 năm để tiến hành khảo sát. (KPLNews – 15/01/2015)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết