Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tổng quan về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

2 posters

Go down

Tổng quan về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Empty Tổng quan về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Bài gửi by Đoàn Minh Sun Nov 17, 2013 3:44 pm

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CHDCND LÀO

I. KHÁI QUÁT CHUNG

         1. Tên gọi, thủ đô, quốc kỳ, quốc ca, tiền tệ

- Tên nước: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao People’s Democratic Republic).

- Thủ đô: Viêng chăn (Vientiane).

-  Ngày Quốc khánh: 02/12/1975.

-  Ngày độc lập: 12/10/1945.

Quốc kỳ nước CHDCND Lào hình chữ nhật. Mầu sắc, hình tượng in trên cờ đều mang một ý nghĩa: màu đỏ tượng trưng cho máu của người Lào đã hy sinh cho độc lập, tự do; màu xanh tượng trưng cho sự thịnh vượng của đất nước; vòng tròn trắng tượng trưng cho mặt trăng trên dòng sông Mekong cũng như sự thống nhất đất nước.

Dịch nghĩa: "Từ bao đời nay, người Lào ta một lòng một dạ, chung sức chung lòng, đoàn kết là sức mạnh, cùng nhau tiến lên, làm rạng danh đất nước Lào; phát huy quyền làm chủ, bình đẳng giữa các dân tộc; chống đế quốc xâm lăng và lũ bán nước; toàn dân Lào mãi mãi giữ gìn độc lập, tự do".

- Thể chế chính trị: Lào đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển chế độ Dân chủ Nhân dân, tạo tiền đề để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Đơn vị tiền tệ: Kíp (LAK).

- Quốc hoa: Hoa Champa

2. Địa lý tự nhiên, hành chính

- Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Trung Quốc khoảng 505 km; phía Tây Bắc giáp Mi-an-ma khoảng 236 km; phía Tây Nam giáp Thái Lan khoảng 1.835 km; phía Nam giáp Campuchia khoảng 535 km và phía Đông giáp Việt Nam khoảng 2.067 km.

- Địa lý hành chính: Lào có 16 tỉnh, 1 thành phố (Thủ đô Viêng-chăn).

- Diện tích: 236.800 km2.

- Dân số: 6.480.000 người (số liệu tháng 9/2012).

- Khí hậu:  Lục địa, chia làm hai mùa là mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 6) và mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11).

- Tài nguyên thiên nhiên: Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản và nguồn nước.

- Dân tộc: Lào có 49 dân tộc, có những dân tộc gồm nhiều nhánh tộc và được chia thành 04 nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Lào-Thái, nhóm ngôn ngữ Mông-Khơ Me, nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, nhóm ngôn ngữ Hán-Tây Tạng.

- Tôn giáo: gồm đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Ba Hai.

- Ngôn ngữ: tiếng Lào.

         II. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

         1. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập ngày 22/3/1955, tiền thân là Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là chính đảng duy nhất lãnh đạo toàn diện đất nước Lào. Đảng NDCM Lào đã tổ chức 9 kỳ Đại hội. Tổ chức của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gồm Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Tổng Bí thư và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá I-V; đồng chí Khăm-tày Xỉ-phăn-đon làm Chủ tịch Đảng từ khoá VI-VII; đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn làm Tổng Bí thư từ khoá VIII-IX. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng NDCM Lào lần thứ IX được tổ chức vào tháng 3/2011 và đã bầu Ban Chấp hành TW khoá IX gồm 61 đồng chí, 11 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị; Ban Bí thư Trung ương có 5 đ/c. Tổ chức của Đảng có 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở.

         2. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu trực tiếp, đại diện lợi ích của nhân dân, là cơ quan lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp, toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Quốc hội có quyền bầu hoặc bãi nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội; bầu hoặc bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước theo kiến nghị của Ban thường vụ Quốc hội; xem xét thông qua kiến nghị bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước; xem xét và thông qua cơ cấu bộ máy của Chính phủ; bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm thành viên Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi khoá Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội khoá VII (2011-2015) do nữ đồng chí Pa-ny Ya-tho-tu làm Chủ tịch.

3. Nhà nước Lào là Nhà nước dân chủ nhân dân, của dân, do dân, vì dân, bao gồm các tầng lớp trong xã hội, trong đó công nhân, nông dân và trí thức là lực lượng nòng cốt. Nhà nước bảo vệ quyền tự do và quyền dân chủ của người dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, được Quốc hội bầu với số phiếu chấp thuận của ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước có nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch nước kiến nghị lên Quốc hội bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; bổ nhiệm, điều chuyển hoặc cách chức thành viên Chính phủ sau khi Quốc hội đã thông qua; bổ nhiệm hoặc cách chức Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao trên cơ sở kiến nghị của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao; bổ nhiệm hoặc cách chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trên cơ sở kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; bổ nhiệm, điều chuyển hoặc cách chức Tỉnh trưởng, Đô trưởng trên cơ sở kiến nghị của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước ban hành Hiến pháp và Luật pháp sau khi được Quốc hội thông qua; ra Sắc lệnh và Pháp lệnh; quyết định trao tặng Huân, Huy chương; ân xá cho phạm nhân. Quốc hội khóa VII (2011-2015) đã bầu  đồng chí Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn làm Chủ tịch nước và  đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít làm Phó Chủ tịch nước.

4. Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chính phủ quản lý thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ công trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, ngoại giao, văn hoá-xã hội, giáo dục đào tạo, y tế… Chính phủ có nghĩa vụ thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định và Sắc lệnh của Chủ tịch nước. Chính phủ bao gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với nhiệm kỳ công tác theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Quốc hội khóa VII (2011-2015) đã bầu đồng chí Thong-xỉnh Thăm-ma-vông làm Thủ tướng Chính phủ. Nội các hiện tại gồm 28 thành viên, với 18 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ.

5. Chính quyền địa phương được chia thành 3 cấp: Tỉnh, Huyện và Bản. Cấp tỉnh bao gồm Tỉnh và Thành phố. Cấp Huyện bao gồm Huyện và Thị xã. Người đứng đầu Tỉnh là Tỉnh trưởng, đứng đầu thành phố là Đô trưởng. Huyện có Huyện trưởng, Bản có Trưởng Bản. Các Tỉnh trưởng/ Đô trưởng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy.

6. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của Nhà nước, bao gồm: Toà án nhân dân tối cao, Toà Phúc thẩm, Toá án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân huyện, Toà án Quân sự. Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước. Toà án nhân dân tối cao quản lý về mặt hành chính đối với Toà án nhân dân các cấp, Toà án Quân sự và thực hiện việc kiểm tra xét xử của các Toà án nói trên. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước. Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm hoặc cách chức trên cơ sở kiến nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

7. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan kiểm sát việc thực thi pháp luật, bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Viện Kiểm sát Quân sự. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo việc hoạt động của cơ quan kiểm sát nhân dân các cấp. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm hoặc cách chức trên cơ sở kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân gồm: Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Công đoàn, Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh và nhiều tổ chức xã hội và các đoàn thể nhân dân khác.


III. VĂN HÓA XÃ HỘI, PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ TÔN GIÁO

1. Văn hóa xã hội

1.1. Văn hóa Lào là văn hóa hỗn hợp giữa văn hóa Lào cổ và văn hóa các dân tộc với văn hóa Ấn Độ du nhập vào Lào, trong đó ảnh hưởng của đạo Phật rất lớn.

         - Văn hóa Lào cổ gắn với thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp, đời sống hái lượm và tín ngưỡng thờ cúng thần linh.

         - Văn hóa Lào cổ tôn sùng thần linh: có 24 thần linh khác nhau.

         - Chùa là trường học, đồng thời cũng là nơi văn hóa được tuyên truyền và lưu giữ.

1.2. Khoảng hơn 1000 năm trở lại đây, đạo Phật được du nhập vào Lào đã làm thay đổi văn hóa của người Lào. Văn hóa của người Lào trước khi có đạo Phật là văn hóa vật chất, nhà cửa làm bằng tre, gỗ. Sau khi đạo Phật du nhập vào Lào thì bắt đầu có khái niệm xây nhà và xây chùa. Tuy nhiên, cho đến nay, một số ít tộc người ở rải rác khắp nơi không chấp nhận đạo Phật mà vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng của họ.

Ví dụ: Lễ buộc chỉ cổ tay là giao thoa giữa văn hóa phật giáo và văn hóa Lào cổ (trước đây Lào không có lễ buộc chỉ cổ tay và đạo Phật từ Ấn Độ cũng không có lễ buộc chỉ cổ tay).

         1.3. Văn hóa Lào mang đậm nét văn hóa lễ hội – “bun”. Theo quan niệm của người Lào, bất kể làm việc gì và ở đâu cũng cần có bạn bè và người thân và “bun” là nơi gặp gỡ, giao lưu và thăm hỏi nhau. Khi làm nhà, về nhà mới, sinh con, trước khi đi xa, từ xa về, ốm đau, khỏi bệnh tật… người Lào đều làm “bun” để cầu may mắn, chúc tụng nhau. Tùy từng loại lễ hội mà gia chủ mời những nhóm người khác nhau.

- Người Lào coi trọng và yêu quý người khác; tin tưởng và quý trọng bạn bè, tin vào lời nói hơn là phải có bằng chứng, không cần bằng chứng mà chỉ bằng lòng tin (gửi nhau vật chất chỉ cần nói miệng, không cần phải viết giấy hoặc nhờ bạn bè chuyển lời thăm hỏi đến người thân của mình chỉ qua lời nói, người thân của mình nhận được rất vui và hạnh phúc).

- Người Lào luôn chứng tỏ mình là người tốt và mong muốn làm điều tốt.

- Người Lào ít thể hiện, khiêm tốn, không nói xấu người khác, né tránh việc phê bình, góp ý và khi góp ý sợ người khác không thích và chê cười.

- Người Lào luôn hòa đồng với người khác trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.

- Người Lào thích vui vẻ, nhẹ nhàng, thích ca múa, hội hè.

- Người Lào có rất nhiều điệu múa khác nhau (Lăm vông), các cung bậc nhạc cụ khác nhau, ứng với một điệu múa khác nhau, các địa phương cũng có những điệu múa riêng mang bản sắc dân tộc vùng miền. Lăm vông được tổ chức trong các buổi lễ hội, tiệc mừng.

1.4. Ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa trong xã hội.

- Hội nhập và công nghệ thông tin đang tác động đến văn hóa của Lào, một số thói hư tật xấu đã xuất hiện, mặc dù không nhiều, như: nói dối, trộm cắp, nghiện hút… Tuy nhiên, văn hóa Lào vẫn giữ gìn được bản sắc riêng.

- Trật tự xã hội ổn định, nề nếp gia phong được giữ vững. Trang phục được quy định nghiêm, đặc biệt là đối với phụ nữ khi đi chùa hoặc đến công sở phải mặc váy truyền thống.

- Các món ăn truyền thống được giữ gìn như: lạp, các món ăn tiến vua, tầm mạc hùng, các món chèo (gia vị chấm)... người Lào chủ yếu ăn cơm nếp; các món được yêu thích là  nướng, hấp.

- Đồ uống: Người Lào thích uống nước lọc hoặc nước nấu với những loại rễ hoặc thân cây tự nhiên hơn là uống chè (chè được du nhập vào Lào từ lâu và được nhân dân trồng ở một số địa phương).

2. Tập quán và phong tục

2.1. Tập quán lễ hội 12 tháng

Theo phong tục của người Lào, trong một năm ít nhất phải tổ chức 12 lễ hội ở chùa hoặc ở bản. Các lễ hội được tổ chức theo tháng Phật lịch như sau:

Lễ hội tháng giêng: ( Bun Sẳng-khạ-chậu-khậu-cằm). Lễ hội này được làm vào rằm tháng giêng để cúng trời đất, thổ thần và ma quỷ, xá tội vong nhân. Lễ hội này chỉ còn tồn tại ở chùa Phôn Phâu, Luông pha bang. Trong thời gian tổ chức lễ hội, người dân đến chùa để nghe nhà sư giảng giải về đạo pháp và đọc kinh, dâng cơm rang cho nhà sư.

Lễ hội tháng hai, (Bun Khun-khậu nay-lan, mừng lúa mới đầy sân). Đây là lễ hội thể hiện sự trân trọng đối với công sức của con người làm ra hạt thóc, hạt gạo, mục đích nhằm giáo dục con cháu không được quên ơn ông bà cha mẹ đã vất vả làm ra hạt thóc, biết ơn lúa gạo, tôn vinh những tinh túy của đất trời liên quan đến lúa gạo.

Lễ hội được tổ chức ở nơi để lúa. Sau khi thu hoạch, lúa được phơi ở ruộng, khi lúa khô người dân mang về và chất thành đống, ăn đến đâu thì mang lúa ra tuốt đến đó. Sau khi lúa được chất thành đống, gia chủ làm cơm cùng với hàng xóm láng giềng tổ chức cúng và cầu mong cho lúa gạo ở lại nhà mình, ở lại ruộng đất của thôn bản và sang năm tiếp tục được mùa. Sau khi cúng xong, gia chủ mang cơm đến dâng cho sư ở chùa và ngồi nghe giảng đạo đọc kinh. Cả làng đều tổ chức cúng một ngày vào rằm tháng hai.

Lễ hội tháng ba (Bun khậu chì ). Cơm nếp được nắm thành từng nắm nhỏ như quả trứng, rắc muối đều, xiên bằng xiên tre và đem nướng trên than hoa cho đến khi vàng rộm. Sau đó phết trứng lên và đem nướng lại lần nữa. Một số nơi còn phết nước mía vào cơm để nướng. Mọi người được tập trung tại một địa điểm trong làng để cùng làm cơm nướng sau đó dâng cho nhà sư ở chùa và cùng nhau ăn.

Lễ hội được tổ chức sau khi thu hoạch xong vụ mùa để tạ ơn trời phật. Mặt khác, theo truyền thuyết vào ngày 15 tháng 3 hàng năm là ngày tụ hội của 1250 thần linh mà không hẹn trước.

Tháng 3 còn lễ hội nữa là "Bun ma khạ bun sả", được tổ chức vào giữa tháng 3 âm lịch. Người Lào chuẩn bị cho lễ hội này rất chu đáo, vì đây là dịp để cho các tăng lữ phật giáo nhắc nhở lại cho dân chúng tấm gương của đức Phật.

          Lễ hội tháng tư (Bun Phạ vệt). Đây là bun hội lớn ở Lào được tổ chức để tưởng nhớ và khâm phục đức hy sinh của Phật Vệt sẳn đơn-tên của một nhà sư được tu thành phật. Lễ hội  này được tổ chức ở chùa vào rằm tháng tư, với nhiều công đoạn khác nhau như: Chuẩn bị địa điểm đủ chỗ cho những người ngồi, mời các thày tu, một số nơi còn tổ chức rước Phật về rất linh đình và ngồi nghe về truyền thuyết tu thành phật. Lễ hội được tổ chức 3 ngày liên tục. Mỗi buổi sáng và buổi trưa mọi gia đình đều mang cơm đến cho nhà sư, buổi tối tổ chức múa hát tại sân chùa.

         Lễ hội tháng năm (Bun pi may, Bun hốt nặm hay còn gọi là Bun Sồng kan-Hội té nước). Bun Sồng kan có nghĩa là tiễn năm cũ đón năm mới. Lễ hội diễn ra trong  các ngày 13-14-15 tháng 4 năm dương lịch hàng năm. Đây là thời điểm chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa. Theo phong tục, vào ngày lễ này, mọi người, mọi nhà đều phải mang nước thơm đến chùa để tắm cho Phật và lấy nước tắm Phật về hòa với nước thơm và té cho ông bà, cha mẹ và những người có công lao dưỡng dục để xin tha thứ những lỗi lầm trong một năm qua và nhận lời chúc phúc của những người đó; cầu cho mưa thuận gió hòa để lao động sản xuất, đem lại sự tươi mát cho vạn vật và ấm no hạnh phúc cho muôn dân (có truyền thuyết kể về sự tích Bun hốt nặm của Lào). Ngày 13 là ngày cuối cùng của năm cũ, ngày 14 và ngày 15 là "ngày giao thừa" và ngày 16 là ngày của đầu năm mới.

         Trong một năm có 12 La sỉ, có La sỉ của từng tháng. Phạ Rạ athit vào La sỉ mê sả (tháng 4 dương lịch), người ta thường gọi là ngày hội lớn, đặc biệt, vì là ngày và thời gian chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Theo phong tục, vào sáng sớm (khoảng 3 giờ sáng, trước khi có tiếng chim hót) của ngày thứ nhất, mọi người trong nhà dậy và đi tắm rửa, sau đó phải rửa tất cả các đồ đạc trong nhà. Ở chùa, các tượng phật được mang ra sân để mọi người đến tắm phật được dễ dàng. Trong suốt ba ngày, mọi người tắm cho phật và té nước cho nhau.

Lễ hội tháng sáu: Bun Băng phay -Hội pháo hoa hay Hội Pháo thăng thiên, pháo được làm bằng ống tre được nhồi đầy phân rơi rang lẫn với than hoa nghiền nhỏ. Tháng sáu là tháng  đầu mùa mưa, lúc đó, đồng ruộng khô cạn, nông dân chuẩn bị gieo cấy vụ mùa nhưng chưa đủ nước. Do đó, họ tổ chức bắn pháo hoa lên trời để báo hiệu thời gian chuẩn bị vụ mùa đã tới và cầu mong ông trời làm mưa để có nước. Lễ hội này tương tự như lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Thái ở Việt Nam.

Lễ hội này được tổ chức vào rằm tháng 6. Các làng bản đều tổ chức lễ hội bắn pháo hoa ở gần khu đồng ruộng của làng, bản mình. Người Lào quan niệm, pháo của bản nào nổ to, bay cao thì bản đó sẽ gặp nhiều may mắn. Ngày này, nhân dân cũng dâng cơm cho nhà sư và đến lễ ở chùa, nghe giảng đạo.

Lễ hội tháng bảy: Bun Xăm rạ-Hội tống ôn có nghĩa là gột rửa bụi bẩn, tắm cho sạch, đuổi sạch tà ma ra khỏi bản, gột sạch tâm hồn, xua tan những điều không may mắn. Vào ngày rằm tháng 7 mọi người mang hoa, nến và chậu nước đến nhà chùa để các sư làm phép thành nước thiêng, sau đó mang nước về nhà té cho người trong nhà và các đồ đạc, nhà cửa đất đai của mình.

Lễ hội tháng tám: Bun Khậu phăn sả-Hội vào chay. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 01 tháng 8 hàng năm. Theo phong tục, sau ngày này nhà sư ở trong chùa cả 3 tháng không đi ra ngoài đường, không sang các chùa khác, không vào nhà dân; mọi người dân mang cơm, nước và tiền của đến chùa nhờ các nhà sư gửi cho tổ tiên, những người đã quá cố và nghe nhà sư chỉ dẫn những điều kiêng kỵ và những việc cần phải làm trong 3 tháng. Từ khi vào mùa chay, người dân không cất nhà, không cưới hỏi và có thể tạm thời bỏ rượu, thuốc lá.

Lễ hội tháng 9: Bun khu khậu pạ đắp đin - Lễ hội bố thí Theo phong tục, vào ngày rằm tháng chín, các gia đình gói đồ ăn thức uống mỗi thứ một ít vào nhiều gói khác nhau (khoảng 9 gói). Trước khi mặt trời mọc, các gia đình đều mang những gói đồ ăn thức uống đó để trên các cành cây, bờ rào, góc vườn quanh nhà để khấn vái, mời gọi những linh hồn người thân đã quá cố, những linh hồn người xấu số, những linh hồn của muông thú bị giam cầm ở địa ngục được thả ra và đang đến gần đó được ăn uống và mang đi làm dự trữ khỏi bị đói khát.

Buổi sáng, các gia đình cũng mang những gói đồ ăn, thức uống đến chùa dâng cho sư, buổi tối đến chùa nghe giảng đạo, đọc kinh.

Lễ hội tháng 10: Bun hô khậu sạc - Lễ hội bốc thăm

Lễ hội bốc thăm là một lễ hội bố thí thêm một lần nữa  để các linh hồn được thả ra sau 15 ngày kể từ Hội bố thí (tháng 9) phải quay trở lại nơi ở của mình. Hai lễ hội này tương tự như nhau, cũng làm các gói đồ ăn thức uống cho các linh hồn, bao gồm cả tổ tiên của mình và những linh hồn những người không có người thân, nhưng hình thức khác nhau như: Trước khi mang lễ vật đến cho nhà sư, dân bản phải bốc thăm có tên của các nhà sư. Nếu ai bốc được tên nhà sư nào thì mang lễ vật đến cho nhà sư đó. Tiếp theo người mang lễ vật đến ghi tên mình vào trong khay lễ vật, sau đó nhà sư  lại bốc thăm, nếu trúng tên lễ vật của ai thì người đó mang lễ vật của mình cho nhà sư bốc được tên của mình.

Lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 10 hàng năm.

Lễ hội tháng 11: Bun ook phăn sả- Hội mãn chay. Lễ hội này được làm ở chùa vào ngày 15 tháng 11 hàng năm.

Sau Lễ hội này, các nhà sư được ra khỏi chùa, được coi như là một quá trình tu nhân tích đức tại chùa đã hoàn thành và trở lại cuộc sống thường ngày.

Sau  Bun ook phăn sả, còn có Bun xuồng hưa - lễ hội đua thuyền và Bun loi cạ thông - Hội thả  thuyền có đốt nến.

Lễ hội tháng 12: Bun cạ thỉn - Lễ hội hiến tặng áo choàng cho nhà sư . Theo phong tục, sau khi phải tu trong chùa 3 tháng, các nhà sư được đi ra ngoài và đến các chùa khác, cần có những bộ áo choàng mới để mặc. Do vậy nhà chùa tổ chức lễ hội này  để nhân dân đến hiến tặng cho nhà sư những tấm áo choàng mới. Lễ hội này rất quan trọng, bởi vì theo quan niệm của người dân nếu làm phúc thì được phúc lớn và họ tin rằng khi làm phúc cho nhà chùa thì sẽ được phúc cả năm.

Lễ hội hiến tặng áo choàng cho nhà sư là lễ hội cuối cùng trong 12 lễ hội theo phong tục của người Lào. Trong lễ hội này, người dân còn đến chùa dâng cơm cho sư và nghe giảng đạo.

Ngoài ra, còn có Lễ hội Thạt Luổng diễn ra vào ngày rằm tháng 12 Phật lịch, kéo dài một tuần. Hội Thạt Luổng là lễ hội tôn giáo lớn nhất, đậm nét văn hóa Lào nhất và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân các bộ tộc Lào trên cả nước cùng khách quốc tế. Hàng năm, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn đều tổ chức lễ hội này, tổ chức triển lãm, hội chợ hàng hóa, với sự tham gia của các địa phương, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tại Lào, tổ chức các trò chơi dân gian Tì khi (Hockey). Tì khi được chia làm 2 phe: Phe áo đỏ tượng trưng cho quan chức, Phe áo trắng tượng trưng cho nông dân, thi đấu 3 hiệp để phân thắng bại. Theo tín ngưỡng, nếu Phe áo đỏ thắng thì đất nước sẽ khó được yên, chính vì thế mà năm nào Phe áo trắng (có khi cởi trần) cũng thắng. Ngoài ra, còn mang ý nghĩa đoàn kết sum họp cùng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

2.2. Một số phong tục điển hình

- Sau khi thu hoạch thành quả lao động, không được ăn trước mà dâng cho những người có công sinh thành và những người có công ơn đối với mình và dâng cho nhà chùa trước.

- Không trộm cắp, giả dối, không dùng đồ ăn cắp ăn trộm, không nói tục chửi bậy và không nói xấu người khác.

- Phải làm hàng rào xung quanh nhà và đặt nơi thờ cúng ở 4 góc nhà và góc vườn.

- Rửa chân tay trước khi vào nhà.

- Các ngày kiêng kỵ (ngày 7-8, 14-15 hàng tháng) phải làm lễ tạ tội với bếp lửa, cửa đi và cầu thang.

- Trước khi đi ngủ phải rửa chân sạch sẽ.

- Đến ngày kiêng (8-15-30 hàng tháng) người vợ phải lấy hoa và nến làm lễ xin sự tha thứ của chồng, cha mẹ, ông già bà cả và mang hương hoa và nến đến dâng tại chùa.

- Ngày 15-30 hàng tháng mời sư đến làm lễ tại gia.

- Khi mang cơm cho sư đi khất thực phải đến trước, không được để nhà sư chờ đợi. Khi bỏ cơm vào khay của nhà sư tay không được chạm vào khay. Khi dâng cơm cho nhà sư không được đi giầy dép, không được che ô, không được đội mũ đội khăn, không được đem con cháu đi cúng và không được mang vũ khí đi theo.

- Khi nhà sư ở chùa tu luyện phải đem khay hương hoa và đồ ăn thức uống đến cho sư.

- Khi nhà sư đi qua phải ngồi xuống chắp tay vái sau đó mới được nói chuyện hỏi han.

- Không được giẫm lên bóng của nhà sư.

- Không được dâng cho nhà sư cơm thừa của mình hoặc của người khác và không được dùng cơm thừa cho chồng ăn.

- Không được sinh hoạt vợ chồng trong những ngày kiêng kỵ (7-8, 14-15 hàng tháng) và ngày tết năm mới và ngày sinh nhật của mình.

- Chắp hai bàn tay vào nhau và để trên trán, cúi người xuống để chào người bề trên. Nếu là người ngang hàng (tuổi tác, chức tước) thì hai bàn tay chắp lại và để trước ngực rồi cúi chào nhau.

2.3. Một số điều kiêng kỵ

- Phụ nữ sinh con không được ăn gà trắng, thịt vịt và thịt cá; người bệnh không được ăn mỡ lợn.

         - Khách đến nhà không được đi cửa sau, nếu muốn đi phải được phép của gia chủ.

         - Không được phơi quần áo trước cửa nhà, đồ lót không được phơi ra ngoài.

         - Khi ngủ không được nằm dọc theo nhà, khi nằm chân phải hướng ra cửa, đầu phải hướng vào trong.

         - Khi đưa dao cho người khác phải đưa đằng chuôi, không được đưa đằng lưỡi.

         - Buổi tối không được chải đầu.

         - Khi đi thuyền trên ao hồ, sông ngòi hoặc đi trên ôtô không được mặc đồ mầu đỏ.

         - Khi vào rừng, cá, cua không được nướng mà chỉ được luộc hoặc nấu chín.

         - Khi nấu ăn không được dùng lưỡi dao đảo cơm hoặc đảo thức ăn.

         - Khi ngồi tiếp khách, nói chuyện với người lớn, cấp trên, không được rung đùi, vắt chân chữ ngũ.

- Khi ăn cơm (nếp), người Lào dùng tay bốc, nắm lại và tay kia ngắt từng miếng nhỏ đưa vào miệng, chứ không cắn trực tiếp vào nắm xôi.

3. Tôn giáo

Hiện nay ở Lào có 4 tôn giáo lớn được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động đó là: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi và đạo Ba Hai, trong đó đạo Phật là tôn giáo chính lớn nhất chiếm 85% dân số và tồn tại lâu nhất ở Lào.

Đạo Phật dòng tiểu thừa được truyền bá từ Campuchia vào Lào năm 1353 (thế kỷ thứ 14) do vị vua anh hùng Chậu-Phạ-Ngừm Ma-Hả-Lạt, người đã có công thống nhất đất nước Triệu Voi. Kể từ đó, đạo Phật được phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay. Sau khi đất nước Lào hoàn toàn thống nhất, đạo Phật được củng cố và phát triển. Hiến pháp của Vương quốc Lào đã từng quy định: “Phật giáo là quốc đạo”.

3.1. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Lào

“Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào” được kế thừa truyền thống cách mạng và sứ mệnh lịch sử từ “Liên minh Giáo hội Phật giáo vì đất nước Lào trước đây”. Ngày 06/6/1976 hợp nhất hai dòng tăng lữ Đại thừa và Chính thống gọi chung là “Tăng lữ Lào”.

Hệ thống tổ chức có 4 cấp: Trung ương, tỉnh/ thành phố, huyện và cấp cơ sở (như cấp trụ trì chùa).

Cả nước hiện có 20.192 tăng ni, trong đó có 7.495 tỳ kheo, 405 sư nữ và 523 người tự nguyện phục vụ tại chùa (​ສັງ​ກະລີ), có 4.139 ngôi chùa trong đó có 3.621 ngôi chùa có sư sinh sống.

Đội ngũ quản lý hiện có 4.349 người, trong đó cấp Trung ương 15 người, tỉnh/ thành phố 109 người, huyện 595 người, trụ trì chùa 3.621 người.

3.2. Thiên chúa giáo ước tính hiện có khoảng 18.000 tín đồ Thiên chúa giáo. Đa số là những người học tại các trường Pháp ở lại sau năm 1975 và một số sắc dân miền núi theo tín ngưỡng vật linh được cải đạo.

3.3. Đạo Ba Hai: có 9 trung tâm với khoảng 2.000 tín đồ.

3.4. Đạo Hồi có rất ít ảnh hưởng đến cuộc sống của dân Lào. Chỉ có khoảng 200 tín đồ Hồi Giáo sống ở Viên Chăn và Savannakhet. Một thánh đường hồi giáo nhỏ ở Viên chăn tổ chức các buổi lễ vào ngày thứ sáu. Đó cũng là nơi hội họp và đọc kinh Koran của người theo đạo Hồi ở thủ đô. Đa số tín đồ Hồi giáo ở Lào là người gốc Pakistan và Băngladesh.

3.5. Cả nước hiện có 8 chùa theo dòng đại thừa của Việt kiều với hơn 100.000 phật tử.

IV.  GIÁO DỤC VÀ THỂ THAO

1. Giáo dục

Chính phủ Lào luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, tạo điều kiện cho từng cấp học, bậc học phát triển tốt. Năm học 2011-2012 cả nước có:

Cấp mẫu giáo, nhà trẻ: 119.758 cháu. Trong đó 24,7% học tại các trường tư nhân. Có 6.168 giáo viên, bình quân 19 cháu/giáo viên.

         Cấp tiểu học: 8.929 trường tiểu học, với 31.957 phòng học và 9.368 lớp học ghép. Ngoài ra có 6 trường tiểu học  nhà chùa; 28 trường tiểu học dân tộc nội trú và 03 trường dành cho trẻ khuyết tật. Tổng số học sinh tiểu học 883.701 em, nữ 420.728 em. Tổng số giáo viên 34.453 người, nữ 18.281 người. Số học sinh mới đến tuổi vào học đạt 90,1% và số học sinh theo độ tuổi đến trường đạt 95,1%. Tỷ lệ học sinh/ giáo viên đạt 26 hs/giáo viên

Cấp trung học cơ sở: 9.217 phòng học, 361.914 học sinh và 19.732 giáo viên. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 64,7%; tỷ lệ lên lớp đạt 87,7%.

Hiện cả nước có 112/140 huyện đã phổ cập xong chương trình tiểu học

Trung học phổ thông: 3.531 phòng học, 7.534 giáo viên, 149.088 học sinh. Tỷ lệ đến trường trong độ tuổi 34,2%, lên lớp đạt 92,1%.

Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: số sinh viên trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề là 10.107 người, tăng 42% so với năm học 2010-2011 (7.148 người).

Cao đẳng và đại học: 05 trường đại học, 44.356 sinh viên. Trong đó 35% do Bộ Giáo dục và Thể thao phân bổ chỉ tiêu và cấp học phí cho các địa phương; 65% thi tuyển và phải đóng học phí. Theo thống kê, hiện nay những ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất là ngành kinh tế, sau đó là ngành giáo dục, nhà nước và pháp luật, bách khoa. Ngoài 05 trường đại học thuộc Nhà nước quản lý, còn một số trường thuộc tư nhân. Năm học 2011-2012 có 35.055 sinh viên theo học các trường tư nhân.

Đào tạo chuyên ngành sư phạm: 8 trường cao đẳng sư phạm, 6.859 sinh viên.

Giáo dục thể chất và giáo dục nhạc họa có Trường cao đẳng giáo dục thể chất và Trường cao đẳng nhạc họa.

2. Thể dục, thể thao

- Ủy ban Thể thao quốc gia Lào thuộc Bộ Giáo dục - Thể thao, có chức năng nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ quản lý vĩ mô về thể dục thể thao trên phạm vi cả nước, chỉ đạo công tác phối hợp, hợp tác với các nước, các liên đoàn thể thao trong hoạt động thể dục thể thao.

Lào đã đăng cai tổ chức Seagame 25 (năm 2009) và Đại hội thể thao sinh viên ASEAN lần thứ 16 (năm 2012).

V. KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ LÀO

         Vào thế kỷ thứ XIV (năm 1353) Vua Phạ-ngừm thống nhất các Tiểu vương quốc (Hủa-phăn, Mương-phương, Viêng-chăn, Chăm-pa-xắc…) thành Vương quốc Lạn-xạng (Triệu voi), đây là thời kỳ rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Lào.

         Giữa thế kỷ XVI (năm 1556), Vua Xệt-thả-thị-lạt đã rời đô từ Luông-pha-bang về Viêng-chăn. Năm 1713, Lạn-xạng bị chia thành ba vương quốc là Luông-pha-bang, Viêng-chăn và Chăm-pa-xắc.

         Năm 1778, Xiêm đưa quân sang đánh Lào. Năm 1779, đất nước Lào Lạn-xạng trở thành thuộc địa của phong kiến Xiêm.

         Từ 1893-1945, Pháp đô hộ Lào. Năm 1892, sau cuộc chiến tranh Pháp-Xiêm, Pháp đã ký một Hiệp ước cắt vùng I-xản của Lào (các tỉnh Đông Bắc Thái Lan hiện nay) cho Thái Lan, lấy sông Mê-công làm biên giới.

         Ngày 12/10/1945, nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Lào It-xa-la đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền và tuyên bố độc lập. Từ 1953-1974, tiến hành kháng chiếng chống Mỹ. Thời kỳ này có ba lần hòa hợp dân tộc (lần thứ nhất: 18/11/1957; lần thứ hai: 23/6/1962; lần thứ ba: 05/4/1974). Ngày 02/12/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào đã lật đổ chế độ Quân chủ lập hiến, lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

         VI. KINH TẾ LÀO

1.     Điều kiện tự nhiên

         Lào được chia thành 3 vùng địa lý kinh tế như sau:

         - Vùng Bắc Lào: Bao gồm 8 tỉnh (Phongsaly, Luongnamtha, Oudomxay, Bokeo, Xaynhabuly, LuongPrabang, Xiengkhoang và Huaphan), có diện tích tự nhiên 113.283 km2, chiếm 47,64% diện tích tự nhiên cả nước Lào; dân số 2.216.097 người, chiếm 35,40% tổng dân số. Nhìn chung trình độ dân trí thấp, đất trống đồi núi trọc chiếm tỷ lệ lớn, rừng bị tàn phá nhiều gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sinh thái. Đời sống dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vùng chậm phát triển nhất ở Lào.

         - Vùng Trung Lào: Bao gồm 5 tỉnh (Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Bolikhămxay, Savannakhet, Khammuon), có diện tích tự nhiên 79.426 km2, chiếm 33,74% diện tích tự nhiên cả nước Lào; dân số 2.795.640 người, chiếm 44,63% tổng dân số. Đây là vùng phát triển nhất ở Lào, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh.

         - Vùng Nam Lào: Bao gồm 4 tỉnh (Saravan, Chămpasack, Sekong, Attapư) có diện tích tự nhiên 44.091 km2, chiếm 18,62% diện tích tự nhiên cả nước Lào; dân số có 1.244.460 người, chiếm 19,97% tổng dân số. Đây là vùng có tiềm năng lớn về phát triển nông lâm nghiệp. Có nhiều  đồng cỏ thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc và nhiều vùng đồng bằng thuận lợi cho trồng lúa. Đây còn là vùng có nhiều đất đỏ bazan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là trồng cafê và cây cao su. Ngoài ra, trong vùng còn có điều kiện để phát triển thuỷ điện, công nghiệp khai khoáng như: vàng, than đá...

2. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên nước: Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mạng lưới sông suối của Lào khá lớn và phân bố tương đối đồng đều. Sông suối ở Lào mang nhiều đặc điểm của sông suối vùng miền núi, lắm thác, nhiều ghềnh là điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình thuỷ điện. Sông Mekong chạy dọc từ Bắc đến Nam Lào với độ dài 1898 km, hội tụ rất nhiều phụ lưu, trong đó có 14 phụ lưu tương đối lớn chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Mekong hàng năm đổ ra biển Đông một lượng nước khổng lồ là 400 tỷ m3.

Tài nguyên đất và rừng: So với các nước xung quanh trong khu vực Châu Á, rừng của Lào có tính đa dạng sinh học cao, hệ động thực vật phong phú. Năm 2012, trong 23,68 triệu ha diện tích đất tự nhiên thì diện tích rừng còn 11.166.900 ha chiếm 47% diện tích tự nhiên (những năm 1940, diện tích rừng là 17 triệu ha, chiếm 70% diện tích chung của cả nước). Rừng nguyên sinh chiếm 30,6%, rừng hỗn hợp chiếm 50,4%. Số rừng bảo tồn thiên nhiên trong cả nước chỉ còn 20 khu với diện tích gần 2 triệu ha chiếm 15% diện tích rừng trong cả nước. Về gỗ, hiện nay có khoảng 2.500.000 ha rừng có thể khai thác với mức khoảng 100-150 m3 gỗ/ha và khoảng 300.000 ha rừng thưa có thể khai thác được với mức khoảng 50-80 m3 gỗ/ha.

Tài nguyên khoáng sản: có khoảng 36 loại khoáng sản được phân bố rải rác trên khắp mọi miền của đất nước. Một số loại khoáng sản như than, sắt, thiếc, muối, thạch cao, đá quý, đồng, chì, kẽm, vàng, barít, cát thuỷ tinh, vật liệu xây dựng...đã được thăm dò và khai thác.

         Trữ lượng của các khoáng sản tương đối dồi dào, Kalicabonat khoảng 326 triệu tấn, bauxite khoảng 442 triệu tấn, than non khoảng 384 triệu tấn, đồng khoảng 152 triệu tấn, quặng có chứa vàng khoảng 44 tỷ tấn, đá vôi khoảng 1,7 triệu tấn, thiếc khoảng 32 triệu tấn, thạch cao khoảng 5 triệu tấn.

3. Kinh tế Lào giai đoạn 1975-2000

Trong quá trình đổi mới kinh tế, Lào thực hiện chiến lược hướng về nông thôn và mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, chương trình đầu tư công cộng của Lào tập trung vào cải thiện lĩnh vực giao thông và kết cấu hạ tầng.
         Về cơ cấu kinh tế, đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông lâm nghiệp trong GDP đã giảm dần từ 60,7% năm 1990 xuống còn 52,1% năm 2000; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng từ 14,4% lên 22,6%; dịch vụ tăng từ 24,9% lên 26,1%. Năm 1975 GDP bình quân đầu người chỉ đạt 70 USD. Năm 1985 đạt 114 USD, năm 1990 tăng lên 211 USD và năm 1995 d?t 380 USD.

         Trong lĩnh vực sản xuất, đến năm 2000 đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực. Sản lượng lương thực quy thóc năm 2000 đạt 2,2 triệu tấn, đưa mức bình quân lương thực đầu người đạt 420 kg. Đây là mức đủ ăn và có phần dự trữ. Phát triển 52 xí nghiệp may mặc thu hút 2,2 vạn lao động.

         Về tài chính tiền tệ, Lào đã đạt được những tiến bộ đáng kể, giữ được ổn định khi chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tỷ lệ lạm phát 56,2% năm 1990 đã giảm xuống 7% năm 1994. Cũng năm 1994 thâm hụt thanh toán đã giảm và chỉ còn khoảng 1% GDP.

         Về xây dựng kết cấu hạ tầng, đến năm 2000 đã nâng cấp và xây dựng mới được 24000 km đường giao thông, trong đó trải nhựa được 3800 km, xây dựng và nâng cấp các sân bay Viêng Chăn và sân bay Luổng Phabăng thành sân bay quốc tế.

         Về văn hoá xã hội, năm 2000 dân số Lào có khoảng 5,2 triệu người, trong đó có 2,27 triệu lao động. Số lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân khoảng 2,16 triệu người, trong đó 85% làm việc trong ngành nông lâm nghiệp. Chỉ số phát triển nguồn nhân lực (HDI) năm 1997 là 0,459.

4. Kinh tế Lào giai đoạn 2001-2012

Trong giai đoạn này, tăng trưởng GDP của Lào đạt được mức khá cao. Tính trung bình từ năm 2000 đến 2011, GDP mỗi năm tăng 6.8%. Đặc biệt, năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên nền kinh tế Lào vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7%, năm 2010, tăng 7,8%. Năm 2011  và năm 2012, GDP của Lào tăng 8,1%.

Khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, công nghiệp 7-10%, nông nghiệp 2-4%. Tỷ trọng trong cơ cấu GDP, khu vực nông nghiệp chiếm 31-33%, công nghiệp 26-28%, dịch vụ trên 40%. Cơ cấu kinh tế này cho thấy trình độ của nền kinh tế Lào vẫn ở mức thấp, với nông nghiệp là hoạt động chủ yếu.

GDP tính theo USD giá hiện hành năm 2009 đạt 5.94 tỷ USD, năm 2010 đạt 6.92 tỷ USD, năm 2011 đạt 7,4 tỷ USD thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1,219 USD/năm, năm 2012 đạt 8,78 tỷ USD thu nhập bình quân đầu người 1355 USD/ năm.

Từ năm 2005 đến nay, tính theo tỷ giá danh nghĩa Kip (LAK) đã lên giá 32%, tỷ giá thực tăng hơn 20% so với đồng USD. Tỷ giá USD/LAK vào quý I/2012 là 8,000 LAK/USD, tăng giá 5% so với đầu năm 2010. Trước đó, từ năm 1990 đến 2005 đồng tiền này mất giá 15 lần so với USD. Tình trạng mất giá của đồng LAK trong giai đoạn này xuất phát từ nhiều bất ổn trong nền kinh tế Lào. Tình trạng lạm phát và thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai luôn là mối đe dọa thường trực.  Kể từ năm 2004 đến nay, lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và Lào đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Điều này là nguyên nhân chính khiến LAK liên tục tăng giá. Lạm phát của Lào bùng nổ từ năm 1995 đến 2001. Đỉnh điểm là các năm 1998 và 1999, lạm phát lên tới 90% và 130%. Kể từ năm 2005 đến nay, lạm phát của Lào được kiềm chế tương đối ổn định quanh mức 6-8% (năm tài khóa 2010-2011 là 7,4%).

Tăng trưởng tín dụng của Lào biến động khá thất thường. Từ năm 2003 đến 2007, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức khá thấp chỉ quanh 10%. Tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2008 và 2009 với mức 77.4% và 125.5%. Trong những năm gần đây, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng lên nhưng vẫn đang ở mức rất thấp. Tính đến năm 2008 dư nợ tín dụng/GDP mới chỉ 11.2%, điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển ngành ngân hàng của Lào còn rất lớn.

Dù tăng trưởng tín dụng ngân hàng thất thường nhưng tăng trưởng cung tiền M2 của Lào lại khá đều đặn. Từ năm 2000, tăng trưởng cung tiền trung bình đạt khoảng 20% và dao động trong khoảng 15-20%. Năm 2010, cung tiền M2 vào khoảng 25% so với GDP.  Tỷ lệ tín dụng và cung tiền trên GDP của Lào đang rất thấp, điều này cho thấy thị trường tài chính của Lào mới chỉ phát triển ở mức sơ khai. Đây là cơ hội cho các định chế tài chính nước ngoài xâm nhập thị trường này.

Giai đoạn này được xem là giai đoạn bùng nổ FDI vào Lào, từ năm 2000 đến tháng 6 năm 2012 đã có 3.754 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn 18,73 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh chóng từ mức chỉ 17 triệu USD vào năm 2004 lên đến 900 triệu đôla Mỹ vào năm tài khóa 2009-2010 và 1,27 tỷ đôla Mỹ vào năm tài khóa 2010-2011. Vốn FDI chiếm một tỷ lệ khá cao so với GDP của Lào, năm 2007, FDI gần bằng 20% so với GDP, năm 2010 giảm xuống khoảng 10%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Lào.

Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc là những quốc gia đang đầu tư nhiều nhất vào Lào.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào hàng năm bằng khoảng 60 -70% so với GDP. Trong những năm gần đây, tăng trưởng xuất nhập khẩu đều đạt được tốc độ khá cao. Xuất khẩu năm tài khóa 2010 - 2011 của Lào đạt 1,856 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,323 tỷ USD. Thâm hụt thương mại năm 2011 là 467 triệu USD, thấp hơn so với mức đỉnh điểm gần 700 triệu USD năm 2008.

Đối tác thương mại lớn nhất của Lào là Thái Lan, tiếp theo là Trung Quốc và Việt Nam. Thái Lan chiếm 30-35% kim ngạch xuất khẩu và 60-70% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Xuất khẩu của Lào sang Việt Nam chiếm khoảng 10-15%, nhập khẩu khoảng 4-6% tổng kim ngạch.

Thực hiện đường lối hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối kinh tế với khu vực và thế giới, Lào hiện có quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại với 20 nước, hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của 35 nước. Lào là thành viên chính thức ASEAN vào tháng 7-1997; là thành viên của 38 tổ chức Quốc tế : ADB, APT, ARF, ASEAN, CP, EAS, FAO, G77, IBRD, ICAO, ICRM, IDA, IFAD, IFC, IFRCR, ILO, IMF, INTERPOL, IOC, IPU, ISO, ITU, MIGA, NAM, OIF, OPCW, PCA, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UNWTO, UPU, WCO, WFTU, WHO, WIPO, WMO. Ngày 26/10/2012 Lào đã được chấp thuận làm thành viên WTO. Ngoài ra, Lào cũng đã tham gia vào các cơ chế hợp tác, điển hình như ở cấp độ tiểu khu vực, Lào tranh thủ hợp tác trong khuôn khổ chiến lược hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS), hợp tác tiểu khu vực sông Mê Công (GMS), hợp tác 4 nước Campuchia-Lào-Mianma-Việt Nam (CLMV), tam giác phát triển Campuchia-Lao-Việt Nam (CLV), Campuchia-Lào-Việt Nam + Nhật Bản (CLV+J), hợp tác Mê Công + Nhật Bản, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công + Mỹ, Mê Công + Hàn Quốc và các nước khác. Ở cấp khu vực và liên khu vực, Lào tham gia vào cơ chế hợp tác Á-Âu (ASEM), khuôn khổ hợp tác Châu Á (ACD), khuôn khổ hợp tác AMED, FEALAC và các khuôn khổ hợp tác khác.

Lào tích cực tham gia các sáng kiến, dự án hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) đặc biệt là hợp tác trong việc xây dựng các hành lang kinh tế trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá nối với các quốc gia khác nhằm biến Lào thành nơi quá cảnh của giao thương khu vực (landlink country). Ngoài ra, Lào còn tham gia các sáng kiến hợp tác khác trong khu vực như hợp tác Mê Kông – Nhật Bản; hợp tác Mê Kông – Hàn Quốc; hợp tác giữa các quốc gia không có biển. Tham gia tích cực vào việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH khu vực tam giác phát triển. Lào thúc đẩy việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Viêng Chăn đến biên giới Trung Quốc. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối với hệ thống đường sắt Thái Lan, nối từ Singapore đến Côn Minh qua Lào. Lào hy vọng trong tương lai sẽ có thể kết nối với các quốc gia Đông Á khác và Ấn Độ thông qua các hệ thống đường bộ và đường sắt sẽ được xây dựng trong khu vực.


5. Chính sách kinh tế của Lào tại Đại hội Đảng lần thứ 9

Mục tiêu của Lào đến năm 2020 là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo được yếu tố cơ bản để công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nền kinh tế quốc dân cơ bản ổn định, có sự phát triển liên tục, bền vững và với nhịp độ phát triển tương đối nhanh; có khả năng hội nhập với khu vực và quốc tế, các thành phần kinh tế đều có sức mạnh và phát triển cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đời sống của nhân dân ở mức cao hơn hiện nay. Về kinh tế, Lào có chủ trương xây dựng Lào là trung tâm dịch vụ quá cảnh nối liền Đông với Tây, Bắc xuống Nam; đẩy mạnh xây dựng tuyến giao thông kết nối với các nước trong tiểu vùng như đường xe lửa, đường cao tốc…; chủ trương xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và đặc khu kinh tế tại một số nơi phù hợp để phát huy thế mạnh địa lý của đất nước. Chủ trương phát triển công nghiệp năng lượng để tiêu dùng và xuất khẩu, phát triển du lịch, biến du lịch thành ngành trụ cột trong kinh tế, thực hiện các dự án đầu tư về công nghiệp khoáng sản theo hướng chế biến thành phẩm hoặc bán thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Những lĩnh vực kinh tế này được thực hiện trên cơ sở mở rộng sự hợp tác và hoà nhập với khu vực và quốc tế nhằm thu hút đầu tư và sự hỗ trợ, cho vay về tài chính để phát triển ngành và vùng lãnh thổ có thế mạnh.

Chính sách từ nay đến năm 2015 và 2020: (i) Lào kiên quyết và nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, coi mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. (ii) Tiếp tục thực hiện đường lối chuyển nền kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hoá và xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phối hợp hài hoà giữa kế hoạch và thị trường; (iii) Tiếp tục tập trung cơ bản giải quyết đói nghèo cho nhân dân bằng giải pháp khuyến khích sản xuất hàng hoá và phát triển nông thôn. (iv) Thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp hỗn hợp, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ và khôi phục rừng nhằm tăng cao độ che phủ rừng. (v) Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quy hoạch và sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả. (vi)Tăng cường năng lực và hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với kinh tế, nắm vững thời cơ để phát triển.

         VII. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

1.        Chính sách đối ngoại

Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ IX (tháng 3/2011) khẳng định tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; chính sách hợp tác đa phương, đa dạng; tăng cường hợp tác mọi mặt với các nước bạn chiến lược XHCN trong đó nhấn mạnh thắt chặt truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng; tích cực tham gia hoạt động trong hiệp hội các nước ASEAN, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Tính đến 2012, Lào có quan hệ ngoại giao với 133 nước, đặt trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao tại 34 nước và vùng lãnh thổ, có mối quan hệ với hơn 100 Đảng chính trị trên thế giới.

2.     Tổ chức, Bộ máy Bộ Ngoại giao hiện nay:

2.1. Lãnh đạo Bộ gồm (i) đồng chí Thong-lun Xi-xu-lit, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng; (2) đồng chí Xủn-thon Xay-nha-chắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Đối ngoại Trung ương, Thứ trưởng; (iii) đồng chí Bun-kot Xẳng-xổm-sắc, Thứ trưởng; (iv) A-lun-kẹo, Thứ trưởng.


2.2 Các đơn vị trong Bộ gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Lãnh sự, Vụ Báo chí, Vụ ASEAN, Vụ Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi, Vụ Châu Âu - Mỹ, Vụ các tổ chức quốc tế, Vụ Kinh tế, Vụ Điều ước và Luật pháp quốc tế, Vụ Lễ tân, Văn phòng Uỷ ban biên giới quốc gia, Vụ quan hệ người Lào ở nước ngoài, Vụ Tài chính, Học viện Ngoại giao, Văn phòng Ngoại giao đoàn.

(Nguồn: DSQ VN tại Lào)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Tổng quan về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Empty Re: Tổng quan về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Bài gửi by Long Linh Wed Jul 26, 2017 11:50 pm

em đang tìm hiểu về văn hóa Lào, các bác làm ơn cho em xin địa chỉ 1 trang Wed về lịch sử, về văn hóa Lào với ạ. Trân trọng cảm ơn.
Long Linh
Long Linh
Lớp dự bị
Lớp dự bị

Tổng số bài gửi : 2
Join date : 26/07/2017

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết