Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 9/2014)

Go down

Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 9/2014) Empty Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 9/2014)

Bài gửi by Đoàn Minh Fri Feb 27, 2015 1:15 am

1/ Tỷ lệ lạm phát của Lào giảm tháng thứ 8 liên tiếp

Ngân hàng CHDCND Lào công bố Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tháng 8 ở mức 3,62%, giảm so với mức 6,83% cùng kỳ năm 2013.
CPI tháng trước giảm 2,37 điểm phần trăm, từ 5,99% tháng 1, xuống còn 3,62% tháng 7.
Trong tháng 3/2014 Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào năm 2014 là 7,2%, chậm lại so với nhịp tăng 8,1% đạt được trong năm 2013. Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào tiếp tục được thúc đẩy bởi lĩnh vực tài nguyên, FDI trong thủy điệnvà chính sách kinh tế vĩ mô thích ứng. Lĩnh vực tài nguyên dự kiến sẽ có đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng nhỏ hơn trong năm 2014 này vì phần lớn các dự án chủ chốt đang trong giai đoạn xây dựng, theo kế hoạch, chưa đưa vào sản xuất kinh doanh trong năm nay. (KLP, 11/9/2014)

2/ Bộ trưởng Tài chính cho biết lương sẽ được trả đúng hạn

Ngày 23/9/2014, Bộ trưởng Tài chính, TS. Lien Thikeo trả lời báo chí tại Văn phòng Chính phủ rằng việc trả lương cho cán bộ công chức nói chung sẽ được thực hiện đúng hạn sau khi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết các khó khăn liên quan đến vấn đề chi trả lương. Bộ Tài chính đã có hội nghị cán bộ chủ chốt của ngành tài chính trong cả nước tháng trước và cho biết đã có khả năng giải quyết một số vấn đề ở cả cấp trung ương và địa phương.
Ông giải thích rằng tất cả cán bộ công chức ở cấp trung ương đã nhận lương tháng 8/2014 đúng hạn, trong khi đó, cán bộ công chức ở các tỉnh một số đã nhận lương đúng hạn, một số ở các vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được nhận. Tuy nhiên vấn đề này đang được giải quyết.
Bộ Tài chính báo cáo rằng, Bộ này đang phối hợp với Ủy ban xúc tiến thu ngân sách và với cơ quan tài chính địa phương để đẩy mạnh thu ngân sách địa phương và giải quyết các vấn đề tồn tại nhằm thực hiện tốt hơn nghĩa vụ đối với ngân sách quốc gia. Sau khi thanh tra và giải quyết các vấn đề tồn tại, các cơ quan tài chính địa phương cải thiện được công tác của họ, việc trả lương sẽ được thực hiện đúng hạn. Việc cải tiến công tác của ngành tài chính bao gồm việc áp dụng các trang thiết hiện đại để quản lý các nguồn thu thuế và thuế quan, cũng như chi tiêu.
Liên quan đến vấn đề nợ tồn đọng trong các năm trước, Bộ Tài chính đang tiến hành nghiên cứu và sẽ phối hợp với các ngành liên quan để tiến hành các biện pháp giải quyết.
“Khoản nợ khoảng 2.050 tỷ Kíp tồn đọng từ các năm trước. Đây là một vấn đề và chúng tôi đang phối hợp với các ngành liên quan để tìm cách thu xếp trả theo từng giai đoạn. Đến nay chúng tôi đã trả được hơn 200 tỷ Kíp”, ông giải thích và nhấn mạnh rằng hiện nay Bộ Tài chính đang nỗ lực hết sức mình để để cải tiến và triển khai công tác theo sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ. (Vientiane Times, 24/9/2014)

3/ Khai khoáng đồng và vàng vẫn là nguồn thu chính đối với ngân sách nhà nước

           Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth gần đây đã có cuộc họp với Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Khai khoáng Phu Bia (PBM) Rob Usher tại Viêng Chăn. Để trao đổi về sự đóng góp của các công ty khai khoáng quốc tế đối với sự phát triển của nền kinh tế Lào. Kết quả cho thấy, mặc dù giá cả của các sản phẩm đồng và vàng sụt giảm nhưng công ty khai khoáng này vẫn đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
           Kể từ năm 2003, công ty đã đóng góp tổng cộng 344 triệu USD cho ngân sách nhà nước thông qua tiền thuê mỏ, thuế và phí; trong đó, 78,9 triệu USD là đóng góp của năm 2013, mặc dù giá đồng và vàng đã giảm 20% trong hai năm qua. Ông Usher cho biết, trong khi khoản chi trả thuế lợi nhuận công ty năm 2013 giảm 44% so năm 2012, nhưng tổng số đóng góp cho ngân sách nhà nước của công ty chỉ giảm 12%. Đó là do thuế lợi nhuận công ty chỉ là một trong các loại thuế và phí mà PBM đóng góp cho chính phủ. Ngoài thuế lợi nhuận công ty, PBM còn trả tiền thuê mỏ, tiền lương, bảo hiểm xã hội và phí nhập khẩu. Tháng 9/2014, PBM còn chi một khoản tạm ứng tiền cổ tức 2 năm cho 10% cổ phần của chính phủ. Công ty đã cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của giá cả kim loại sụt giảm lên thu ngân sách nhà nước bằng cách tăng sản lượng đồng, vàng và bạc năm này cao hơn năm trước.
           Kết quả là khoản chi trả tiền thuê mỏ của công ty đã tăng hơn 25%, giúp bù lại phần sụt giảm về giá cả. Công ty cũng đã đẩy mạnh việc tiết kiệm chi phí, đặc biệt là cải tiến vận tải hàng hóa.
           Ông Usher lưu ý rằng giá cả kim loại năm nay vẫn tiếp tục giảm. “Giá vàng và đồng sẽ phục hồi phần nào. Tuy nhiên, ngay cả khi giá cả sụt giảm thì đóng góp của các công ty như PBM vẫn là nguồn thu chính đối với chính phủ”.
Công ty khai khoáng Phu Bia hiện đang quản lý hai mỏ tại Lào là Mỏ đồng-vàng Phu Kham và Mỏ Vàng-Bạc Ban Houayxai. Sản lượng đồng ở Phu Kham dự kiến sẽ tăng từ 65.000 tấn/năm lên 90.000 tấn/năm vào năm 2019. (Vientiane Times, 30/09/2014)

4/ Chính phủ sẽ tiến hành áp dụng các giải pháp để quản lý các hoạt động cưa xẻ gỗ

           Chính phủ sẽ cương quyết áp dụng các biện pháp để quản lý các xưởng cưa và nhà máy chế biến gỗ trong cả nước sau khi nhận được báo cáo về các hoạt động cưa xẻ gỗ trái phép ngày càng gia tăng.
           Thứ trưởng Bộ Công thương, Khemmany Pholsa cảnh báo rằng các xưởng và nhà máy nào bị phát hiện có hoạt động vi phạm luật và quy định hiện hành sẽ bị đóng cửa. Động thái này được đưa ra sau khi có nhiều phản ánh về tình trạng các xưởng cưa xẻ gỗ được xây dựng gần các khu bảo tồn, trong đó có nhiều xưởng cưa xẻ hoạt động dưới chuẩn, không đáp ứng các quy định hiện hành.
           Các nhà chức trách phát hiện ra rằng một số xưởng cưa xẻ gỗ được xây dựng không phải với ý đồ sản xuất sản phẩm gỗ mà là để mua gỗ súc không rõ nguồn gốc.
           Quốc hội (QH) đã chấn vấn Bộ Công thương về những phản ánh này trong phiên họp thường kỳ của QH tháng 7/2014. Bộ trưởng đã hứa với các đại biểu QH rằng sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ báo cáo QH vào cuối năm 2014. Bà cũng cho biết rằng sẽ mất thêm một ít thời gian nữa để hoàn thành công việc, các giải pháp đang được tiến hành. Các cuộc trao đổi về phối hợp hành động, phân công trách nhiệm để giải quyết vấn đề giữa Bộ Công thương và Bộ Nông Lâm đã được hoàn thành. Kết quả sẽ được báo cáo lên Chính phủ và nếu các giải pháp được phê duyệt thì cơ quan chức năng sẽ sửa đổi các quy chế hiện hành để tạo điều kiện cho việc quản lý lĩnh vực này.
           Theo Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 1.175 xưởng cưa và nhà máy chế biến gỗ trong cả nước. Các đại biểu QH đã nhiều lần bày tỏ sự lo lắng về nạn chặt phá rừng trái phép, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với độ che phủ rừng quốc gia.
           Chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề nổi cộm, tồn tại lâu dài này. Đầu năm nay, Chính phủ đã tiến hành một cuộc kiểm tra liên ngành ở các tỉnh Saravan và Savannakhet và đã yêu cầu các xưởng cưa và nhà máy chế biến gỗ được chỉ định phải xuất khẩu tất cả lượng gỗ tồn kho. Sau đợt xuất khẩu đó, các xưởng cưa và nhà máy chế biến gỗ này sẽ phải báo cáo và chỉ rõ nguồn gốc của bất cứ cây gỗ nào được tìm thấy trong những lần thanh tra trong tương lai.
           Các nhà chức trách cho biết, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt sắp tới sẽ giúp họ ngăn chặn được vấn đề chặt phá rừng trái phép. (Vientiane Times, 27/09/2014)

5/ Tỉnh Viêng Chăn hủy bỏ giấy phép khai thác thạch cao

Ông Suvanny Sonethavisay, Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ tỉnh Viêng Chăn cho biết Chính quyền tỉnh Viêng Chăn đã hủy bỏ 06 giấy phép khai thác thạch cao và đá sau khi các công ty này không đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong hợp đồng đã ký. Tỉnh Viêng Chăn đã cấp giấy phép cho 48 công ty tuy nhiên chỉ 21 công ty triển khai dự án trong khi số còn lại không có hoạt động gì. Trong những năm qua, doanh thu từ khai thác thạch cao và đá vượt 1 tỷ kíp và đóng góp 133 triệu kíp cho ngân sách nhà nước. (KPLNews – 05/9/2014)

6/ Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm soát thông tin internet

Nghị định mới do Thủ tướng Thongsing Thammavong ký ngày 16/9 gồm 8 phần, 24 điều nhằm bảo đảm an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà cung cấp dịch vụ internet và người sử dụng góp phần bảo vệ và phát triển đất nước. Theo Nghị định, người sử dụng internet không được tuyên truyền hoặc phổ biến thông tin sai cho mục đích xấu chống lại Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ Lào, phá hoại hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và thịnh vượng của đất nước. Thông tin với nội dung kích động người khác tham gia khủng bố, giết người và gây mất trật tự xã hội cũng bị cấm đưa lên và lan truyền trên internet. Người dùng mạng không được dính líu đến bất kỳ hoạt động sai trái nào thông qua internet để chia rẽ sự đoàn kết giữa các bộ tộc và giữa các quốc gia. Bí mật quốc gia bị cấm tiết lộ trên internet. Tranh ảnh khiêu dâm và ảnh không phù hợp bị cấm đưa lên hoặc phát tán thông qua internet hoặc các mạng xã hội bao gồm cả các tranh ảnh trái với truyền thống và văn hóa Lào cũng như vi phạm sở hữu trí tuệ. Người sử dụng internet không được phổ biến thông tin sai lệch hoặc xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ danh dự và tổn hại quyền cá nhân, cơ quan và tổ chức. Theo Nghị định, nhà cung cấp dịch vụ không được phép tiết lộ và phổ biến thông tin của khách hàng nếu không được phép. Họ bị cấm tạo điều kiện hoặc khuyến khích cá nhân, tập thể, tổ chức có hoạt động nhằm bôi nhọ đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như có các hoạt động phá hoại an ninh, quốc phòng. Để tạo thuận lợi cho chính quyền quản lý internet và các vấn đề liên quan đến mạng xã hội, người dùng phải sử dụng tên thật khi tạo tài khoản. Đối tượng vi phạm Nghị định ở mức độ nhẹ sẽ bị cảnh cáo và sẽ bị kỷ luật, phạt hoặc bị kết án dân sự hoặc hình sự khi vi phạm nghiêm trọng. (KPLNews – 23/9/2014)

7/ Lào đang phải đương đầu với thâm hụt thương mại lớn

Lào đang đương đầu với thâm hụt thương mại lớn khi kim ngạch xuất khẩu giảm sút và nhập khẩu tăng mạnh trong 9 tháng đầu của năm tài chính 2013-14.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tài chính 2013-14 là 2,6 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các nhà kinh tế học nghiên cứu kinh tế Lào, sự giảm sút này là không có gì ngạc nhiên vì phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Lào là các sản phẩm dựa vào tài nguyên thiên nhiên như các sản phẩm khai khoáng.
Họ cho rằng các mỏ hiện có của Lào sẽ cạn kiệt vào năm 2030 và Lào cần phải phát triển các ngành kinh doanh mới để đảm bảo phát triển bền vững.
Sepon Mine, một trong những doanh nghiệp khai khoáng hoạt động tại Lào đã ngừng sản xuất vàng sau khi nguồn mỏ đã bị khai thác hết.
Chính phủ đang đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy thủy điện, dự kiến tất cả các nhà máy phát điện chính sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2025.
Báo cáo của Vụ Xuất - Nhập khẩu, Bộ Công thương cũng cho thấy các nước nhập khẩu hàng hóa chính của Lào vẫn là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Các số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Lào sang Trung Quốc và Việt Nam có mức tăng mạnh tương ứng là 65% và 64%, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan chỉ tăng 0,25%. Vụ Xuất – Nhập khẩu báo cáo rằng giá trị nhập khẩu trong giai đoạn 9 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm nhập khẩu của Lào chủ yếu là thiết bị điện tử, nhiên liệu và xe cộ. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu là từ Thái Lan, chiếm 61% tổng số. Giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng 37% so cùng kỳ năm ngoái. Giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam tương ứng tăng 37% và 3,6%.
Đầu tư nước ngoài ở Lào tăng lên được cho là một trong những động lực chính làm tăng mạnh nhập khẩu.
Các nhà kinh tế học cho rằng thâm hụt thương mại tăng lên ở Lào sẽ làm cho Lào khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho nhập khẩu. Ngân hàng Trung ương Lào đã hạn chế giao dịch ngoại tệ nhằm mục đích xây dựng dự trữ ngoại tệ đủ 5 tháng nhập khẩu. (Vientiane Times, 8/09/2014)

8/ Lào cần nhập khẩu 200.000 tấn than

Ông Vanthong Sitthikoun, Chủ tịch hiệp hội Xi-măng Lào cho biết Lào cần nhập 200.000 tấn than từ Việt Nam và Indonesia để đáp ứng nhu cầu của 8 nhà máy xi-măng. Ngoài ra, thêm 5 nhà máy xi-măng đã được cấp phép xây dựng với mục tiêu tăng sản xuất xi-măng lên 10 triệu tấn trong 2 năm tới. Trong những năm vừa qua, một khối lượng lớn than đã được khai thác tại Lào nhưng cách thức tiến hành riêng lẻ nên chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Ông Vanthong giải thích giá xi-măng cao do nhập khẩu than và cảnh báo công nghiệp xi-măng có thể không cạnh trạnh được trong thị trường ASEAN vào năm 2015. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ đã cho phép các công ty xi-măng bản địa tự thăm dò khảo sát các mỏ than. (KPLNews – 18/9/2014)

9/ Singapore quan tâm mua điện từ Lào

Ông Viraphon Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết  Chính phủ Singapore quan tâm mua điện từ Lào. Lào hiện có 25 mạng lưới điện kết nối với Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Giá điện bán ở mức 7 xen (560 kíp)/kwh cho Thái Lan và Việt Nam, 6 xen (420 kw) cho Campuchia và 20 xen (1.600 kíp)/kwh cho Singapore. Theo thảo luận ban đầu giữa hai nước, Lào sẽ cung cấp 100 MW/năm cho Singapore. Khoảng cách giữa hai nước hơn 1.000 km khiến chi phí truyền tải tốn kém. Chính phủ Lào hiện thảo luận với Thái Lan và Malaysia để sử dụng đường điện hiện có giữa hai quốc gia cho truyền tải điện. Lào hiện sản xuất 3.200 MW điện và chỉ 1/3 phục vụ nhu cầu nội địa. (KPLNews – 24/9/2014).

10/ Thúc đẩy sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu

Ngày 24/9, bà Khemmany Pholsena, Bộ trưởng Bộ Công thương cho báo chí biết Chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa trồng lúa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Chương trình một huyện, một sản phẩm (One district, one product - ODOP) đã mở rộng ra 10 tỉnh thành và hiện có tới 120 sản phẩm ODOP trên cả nước. Bà nói “ trong số các sản phẩm này, nước quả nhàu đã bán chạy tại hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN vừa qua và chúng ta cần có thương hiệu để tạo nên giá trị gia tăng”. Một số nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ quan tâm đầu tư trồng quả nhàu, lúa, cà phê và chế biến tại Lào, xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc có thể nhập hơn 200.000 tấn ngô/năm từ Lào. Chính phủ có kế hoạch xây dựng tỉnh Sa-va-na-khet thành trung tâm sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trong tương lai. Bà Khemmany nói “Để đảm bảo việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, chúng tôi sẽ khuyến khích doanh nghiệp và doanh nhân bản địa tham gia vào sản xuất sản phẩm thương mại bán ra thị trường và xuất khẩu tới các nước láng giềng và thị trường ASEAN” (KPLNews – 25/9/2014)

11/ Trung Quốc đứng vị trí số một về đầu tư tại CHDCND Lào

Ngày 17/9/2014, tại Hội nghị về hợp tác thương mại, đầu tư trong khuôn khổ Hội chợ CAEXPO lần thứ 11 tổ chức tại tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc, Tiến sỹ Bounthavi Sisouphanthong, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã có bài phát biểu về tình hình đầu tư của nước ngoài tại CHDCND Lào, nhìn chung đầu tư của nước ngoài tại Lào liên tục tăng trưởng trong những năm qua, hiện tại có tổng số 4.500 dự án đầu tư của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến từ 53 quốc gia với tổng trị giá 25,3 tỷ USD, các lĩnh vực đầu tư chính là khai thác khoáng sản, năng lượng điện, nông nghiệp, dịch vụ… trong đó nổi bật 6 quốc gia có lượng vốn đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản.
Đầu tư của Trung Quốc tại Lào luôn đạt mức tăng trưởng cao, tính tới thời điểm hiện tại là nước đứng đầu trong số các nước có vốn đầu tư vào Lào. Kể từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc có tổng số 755 dự án tại Lào với tổng vốn là 6,5 tỷ USD đầu tư trong 14 lĩnh vực, lĩnh vực đầu tư được Trung Quốc quan tâm chủ yếu là thủy điện, nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. (Vientiane Mai 22/9/2014)

12/ Các quan chức Trung Quốc quan tâm đến đầu tư vào nông nghiệp ở Lào

Các quan chức của thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc bày tỏ quan tâm đầu tư vào nông nghiệp - trồng lúa và rau để cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Các quan chức cấp cao của thành phố Tuyền Châu đã bày tỏ sự quan tâm này trong một cuộc trao đổi ngắn với Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat và phái đoàn do PTT dẫn đầu đến Trung Quốc tuần trước.
Trước đó, PTT Somsavat Lengsavat đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội chợ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 18 về Đầu tư và Thương mại tổ chức tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Sự kiện đã thu hút các đại diện từ hơn 100 nước trên thế giới tham dự, tạo ra cơ hội kinh doanh và để các đại biểu cao cấp trao đổi những ý tưởng về xúc tiến thương mại và đầu tư.
Trong thời gian ở Trung Quốc, PTT Somsavat Lengsavat và phái đoàn đã đến thăm một số cơ quan phát triển kinh tế ở Hạ Môn, một số doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Tuyền Châu.
Theo một quan chức cao cấp, thương mại giữa Lào và Trung Quốc đạt hơn 2,03 tỷ USD năm 2013, tăng 30% so với năm 2012; Đầu tư của Trung Quốc vào Lào có giá trị hơn 5 tỷ (trên 40 tỷ Kíp), là một trong các nhà đầu tư lớn nhất ở Lào. (Vientiane Times, 10/9/2014)

13/ Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư du lịch tại Lào

Ngày 9/9/2014 tại trụ sở Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch, Ông Cha Lon Valinthalasak, Thứ trưởng đã có buổi tiếp Tập đoàn doanh nghiệp đầu tư tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại CHDCND Lào.
Tại buổi tiếp, Ông Cha Lon Valinthalasak, Thứ trưởng Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch Lào đã giới thiệu với Đoàn về việc tập trung thu hút đầu tư du lịch tại Lào, theo đó hiện nay Lào đang mở rộng kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực khách sạn, resort, nhà hàng tại các điểm có dự án xây dựng khu du lịch quy mô lớn. Thời gian qua cũng đã có một số doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư trong lĩnh vực này tại thủ đô Vientiane và các tỉnh phía Bắc. Trong thời gian tới,  Lào hy vọng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn nữa bởi hai nước có chung đường biên giới, thuận tiện cho việc qua lại giữa hai bên, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc Lào, là nơi có biên giới với Trung Quốc và là vùng có ưu thế về thiên nhiên du lịch. Những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến Lào ngày một tăng, năm 2010 là 128.226 lượt người, đến năm 2013 đạt 245.033 lượt người, tăng 23% so với năm 2012.
Tập đoàn doanh nghiệp đầu tư tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khẳng định mối quan tâm đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Lào, đặc biệt là dịch vụ tàu thuyền du lịch trên sông Mê Công từ Xiêng Hùng của Trung Quốc đến các tỉnh phía Bắc, xuống miền Trung và Nam Lào, đồng thời cho biết sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc triển khai đầu tư sớm nhằm tăng cường khách du lịch Trung Quốc vào Lào nhiều hơn nữa. (Vientiane Mai 15/9/2014)

14/ Công ty Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy cao su.

Ngày 01/9, ông Deng Yong Hua, Giám đốc công ty Chuanyi (Trung Quốc) và ông Xayphone Khounsiliheung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Luông Nậm Thà đã ký hợp đồng đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Long. Thời gian tô nhượng đất kéo dài 30 năm. Nhà máy sẽ được trang bị máy móc hiện đại từ Trung Quốc và có khả năng chế biến 5.000 tấn mủ cao su/năm. Tới chứng kiến lễ ký có ông Khamlay Sypaserth, Chánh Văn phòng chính quyền tỉnh, ông Bounlivan, Huyện trưởng huyện Long. Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện và tỉnh. (KPLNews – 04/9/2014)

15/ Nghiên cứu năng lượng mặt trời tại Viêng Chăn

Ngày 19/9, ông Bountham Senphansiri, Giám đốc Công ty xây dựng và lắp đặt điện Lào và ông Yang Jian, Đại diện của Công ty Thủy điện Trung Quốc (China Hydroelectric Corporation) đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả thi phát triển năng lượng mặt trời tại thủ đô Viêng Chăn. Dự án thí điểm nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. Nghiên cứu khả thi sẽ tiến hành tại Khu thương mại và công nghiệp Viêng Chăn (21 km) nằm trong khu vực không thích hợp cho nông nghiệp.  Ông Bountham phát biểu dự án phát triển năng lượng mặt trời là cách tốt nhất để thúc đẩy nghiên cứu và mở rộng năng lượng tại Lào. (KPLNews – 23/9/2014)

16/ Đài Loan đầu tư  nhà máy sản xuất quần áo tại Viêng Chăn

Ngày 16/9, Đại diện tỉnh Viêng Chăn và Công ty Đài Loan Haker Enterprise đã ký thỏa thuận nhượng quyền sử dụng đất 50 năm. Theo  thỏa thuận, Haker sẽ đầu tư 25 tỷ kíp xây dựng nhà máy sản xuất quần áo xuất khẩu tại tỉnh Viêng Chăn. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong năm tới và thuê khoảng 800 nhân công. Nhà máy đặt tại bản Phonmee, huyện Viengkham. Ông Richard Cheng, Giám đốc Haker Enterpise tiết lộ dự định mở rộng thêm một nhà máy tại miền Nam Lào và phân phối sản phẩm trong nước. (KPLNews  - 19/9/2014)

17/ Nạn khai thác gỗ trái phép tràn lan ở tỉnh A -Ta - Pư

Theo Sở Nông - Lâm, gần 180.000 m3 gỗ, bao gồm một số lượng lớn gỗ khai thác trái phép đã bị phát hiện trong năm tài chính 2013-14 ở tỉnh A-Ta-Pư.
Trong tổng số gỗ nói trên, 21.000 m3 bị phát hiện từ các dự án làm đường và đường dây tải điện, 66.000 m3 từ dự án thủy điện Xê Ka Mản, 7000 m3 từ các hoạt động trái phép và phần còn lại là từ các dự án phát triển khác. Việc khai thác gỗ tràn lan, đặc biệt là hơn 7000 m3 bị tịch thu từ các hoạt động trái phép, đang làm rộ lên sự lo lắng về nạn phá rừng ở tỉnh này. Các quan chức cho rằng đó là số gỗ các nhà chức trách tịch thu được, con số thực tế còn lớn hơn nhiều. Có nhiều cách khai thác gỗ trái phép, nhưng thông dụng nhất là doanh nhân thuê dân bản đốn cây, bán gỗ cho họ.
Nhu cầu về gỗ tăng cao ở các nước láng giềng đang làm cho rừng của Lào bị đe dọa, bất chấp những nỗ lực giải quyết vấn đề của Chính phủ. Một quan chức giấu tên của Bộ Nông – Lâm cho rằng, trong nhiều trường hợp, các hoạt động trái phép này có sự tiếp tay hoặc trực tiếp dính líu của các quan chức tham nhũng.
Thủ tướng Thongsing Thammavong, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh A-Ta-pư tháng 12/1013 đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng nay, chỉ thị tăng cường các giải pháp để trừng trị nghiêm khắc các hành vi phá rừng, giảm nạn khai thác gỗ trái phép. (Vientiane Times, 4/09/2014)

18/ Công ty tư vấn cho dự án đường sắt Savan-Lao Bảo đã được lựa chọn

     Công ty tư vấn để triển khai dự án đường sắt Savanakhet – Lao Bảo trị giá 5 tỷ USD, nối Trung Lào với nước láng giềng Việt Nam đã được lựa chọn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Giant Rail của Malaysia, nhà thầu chính của dự án đã chỉ định Digimap Sdn Bhd, một công ty của Malaysia là công ty quan lý dự án để tiến hành tư vấn thiết kế chi tiết cho dự án. Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc chỉ định đã được ký kết ngày 12/9/2014 tại Viêng Chăn, giữa nhà thầu Malaysia và công ty tư vấn.
      Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao, TS. Phankham Viphavanh và đối tác Malaysia, ông Tan Sri Dato Muhyiddin Mohd Yassin đã chứng kiến lễ ký. Việc ký kết đã được tiến hành bên lề Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 8 tổ chức tại Viêng Chăn mà hai Phó Thủ tướng đã tham dự.
      Nhà thầu đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Lào để thực hiện dự án đường sắt dài 220 Km vào tháng 10/2012 bên lề Thượng đỉnh Á – Âu với sự chứng kiến của Thủ tướng Thongsing Thammavong và Thủ tướng Malaysia Dato Sri Mohd Najib Bin Tun Abdul Razk. Việc xây dựng dự án nhượng quyền 50 năm dự kiến bắt đầu tháng 12 năm nay và sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm. Thời gian 04 năm sẽ bao gồm 02 năm xây dựng, 02 năm thử nghiệm và vận hành.
       Dự án sẽ triển khai đường sắt tuyến đôi khổ tiêu chuẩn để nối tỉnh Savanakhet với Lao Bảo, Việt Nam.
       Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Malaysia, đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm biến Lào từ một nước không có biển, thành một nước kết nối thông qua khả năng tiếp cận cảng nước sâu Mỹ Thủy ở phía Bắc Đà Nẵng của Việt Nam. “Việc này sẽ đóng góp cho quá trình hiện thực hóa Quy hoạch Kết nối ASEAN với quan điểm Dự án Đường sắt Xuyên Á Bắc – Nam mà cuối cùng sẽ nối châu Á với châu Âu bằng một mạng lưới đường sắt toàn cầu”, ĐSQ cho biết thông qua thông cáo báo chí.
       Hiện nay Lào chỉ có tuyến đường sắt 3,5 Km nối Thủ đô Viêng Chăn với tỉnh Nong Khai của Thái Lan, Chính phủ Lào đang đàm phán với Trung Quốc để phát triển một tuyến đường sắt trị giá 7 tỷ USD để nối Viêng Chăn tới biên giới Trung Quốc với chiều dài hơn 421 Km.
       Tuyến đường sắt Boten – Viêng Chăn sẽ là một phần của mạng lưới đường sắt khu vực được biết đến với tên gọi là tuyến đường sắt Côn Minh – Singapore với chiều dài 3.000 Km. Dự án đường sắt cao tốc Côn Minh – Singapore sẽ nối Côn Minh của Trung Quốc tới tận Singapore, đi qua Lào, Thái Lan và Malayisa. (Vientiane Times, 15/09/2014)

19/ Khăm Muộn sẽ là trung tâm sản xuất xi-măng của cả nước

Tuần qua, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Khambay Damlath, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn cho biết trong tương lai gần khi các dự án xây dựng nhà máy sản xuất xi-măng hoàn thành, tỉnh Khăm Muộn sẽ trở thành trung tâm sản xuất xi-măng lớn nhất của cả nước. Ngoài ra, đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực khai thác mỏ cũng tăng lên hàng năm. Ka-li và than đang được khai thác khối lượng lớn cùng với thạch cao và sắt. Các dự án khai thác mỏ hiện tại và 06 nhà máy xi-măng sẵn có với sản lượng 800.000 tấn/năm đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Sản lượng xi măng hàng năm sẽ đạt 1,8 triệu tấn khi thêm 2 nhà máy hoàn thành (dự kiến vào cuối năm). 04 nhà máy khác đang trong quá trình thi công xây dựng. GDP của Khăm Muộn tăng 12,9%/năm đạt hơn 4.000 tỷ kíp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.500 USD/năm và dự kiến tăng lên mức 1.700 – 1.800 USD vào năm tới (KPLNews – 30/9/2014)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết