Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tổng quan về Quan hệ Hữu Nghị Việt Nam - Lào

Go down

Tổng quan về Quan hệ Hữu Nghị Việt Nam - Lào Empty Tổng quan về Quan hệ Hữu Nghị Việt Nam - Lào

Bài gửi by Đoàn Minh Sun Nov 17, 2013 3:59 pm

QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO

         I. Khái lược lịch sử quan hệ hai nước

         Từ bao đời qua, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có quan hệ hữu nghị gắn bó từ lâu đời, luôn hoà hiếu và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn. Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ trong nhiều thập kỷ chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kay-sỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp, quan hệ Việt Nam - Lào đã vượt qua muôn vàn gian nan thử thách trở thành mối quan hệ đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng hiếm có trên thế giới, trở thành quy luật phát triển, nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.


1. Trong thời kỳ phong kiến, đặc điểm nổi bật về quan hệ giữa nhân dân hai nước và mối bang giao giữa các triều đại là thân thiện, hữu hảo. Giữa hai dân tộc không có sự áp bức và nô dịch nhau, không có hiềm khích và thù hằn nhau; Nhân dân hai nước có truyền thống giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, là láng giềng chí cốt của nhau.

         2. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ Việt Nam (1883), Campuchia (1863) và Lào (1893). Do có cùng một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược và áp bức, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một vận mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do. Từ phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ yêu nước của Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (năm 1885) đến những năm 20 thế kỷ XX, diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa và các hoạt động đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhiều phong trào đã nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân Lào tại vùng sát biên giới Lào – Việt, chạy dài từ Hạ Lào, Trung Lào lên Thượng Lào. Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do ông Kẹo và ông Côm-ma-đăm lãnh đạo (1901- 1937) đã phối hợp với nghĩa quân dân tộc Xơ-đăng ở Tây Nguyên (Việt Nam); phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chạu Phạ-pắt-chây lãnh đạo (1918 - 1922) lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh biên giới hai nước thuộc Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

         3. Cuối những năm 20 thế kỷ XX, do kết quả trực tiếp của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cùng với sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, những điều kiện khách quan và chủ quan cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân ở Đông Dương, trước hết là ở Việt Nam, đã chín muồi. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Hai nước Việt Nam và Lào có cùng hoàn cảnh lịch sử bị thực dân Pháp thống trị, có cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, nên con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua cũng là con đường phù hợp, chứa đựng những giải pháp giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ, đưa đất nước Lào đến thịnh vượng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lý luận, đường lối và lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Lào chuyển biến theo xu hướng cách mạng vô sản.

         4. Tháng 10 năm 1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như xác định cụ thể, toàn diện hơn về mặt lý luận cho mối quan hệ giữa phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước. Sự đoàn kết đấu tranh trong thời gian này là cơ sở để nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào tiếp tục nương tựa lẫn nhau, cùng phối hợp đấu tranh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở mỗi nước.

         5. Giai đoạn 1930-1945: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đấu tranh giành độc lập, tự do

         Đây là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Sự nghiệp cùng đấu tranh chống kẻ thù chung đó của nhân dân hai nước xuất phát từ những điều kiện về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong tiến trình lịch sử đó, bộ phận nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Người Việt ở Lào là một lực lượng tích cực trong phong trào cách mạng Lào và là nhân tố quan trọng xây đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tiến hành các cuộc khởi nghĩa đấu tranh quyết liệt chống các thế lực thực dân đế quốc và tay sai, đưa cách mạng hai nước từng bước tới thắng lợi cuối cùng. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945 ở Việt Nam, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Lào đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Lào đứng lên làm chủ vận mệnh của mình sau hơn 100 năm sống dưới ách nô lệ. Sự ra đời của Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12/10/1945) và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2/9/1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước, là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.

         6. Giai đoạn 1945-1954: Liên minh chiến đấu Việt-Lào chống thực dân pháp xâm lược.

         Sau khi giành lại được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Việt Nam - Lào và Hiệp định về tổ chức Liên quân Việt - Lào đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương: "Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược”. Trong những năm 1945-1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào gắn bó mật thiết hơn.

         Liên minh đoàn kết Việt - Lào càng được củng cố vào đầu năm 1951 khi Mặt trận nhân dân ba nước Lào, Khơ Me, Việt thành lập “Mặt trận Liên minh đoàn kết Lào-Miên-Việt”, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của ba nước đến thắng lợi, dẫn tới ký kết Hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở Đông dương năm 1954.

Với sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ của Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã giành được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa xã hội, ngoại giao. Tháng 4/1953, Chính phủ Kháng chiến Lào và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở chiến dịch Thượng Lào, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa. Tháng 12/1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt - Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước Lào và Việt Nam.

Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ. Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, ngày 07/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam mà Việt Nam là trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung. Từ đây, cục diện chiến tranh Đông Dương chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân Lào, Campuchia, Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ.

Ngày 08/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Ngày 21/7/1954, đối phương buộc phải cùng các bên đàm phán ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Campuchia, Việt Nam. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.

         7. Giai đoạn 1954-1975: Phát triển liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào chống đế quốc Mỹ xâm luộc đưa đến thắng lợi hoàn toàn thống nhất Tổ quốc ở mỗi nước

Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, cách mạng hai nước, Việt Nam, Lào bước vào thời kỳ mới: thời kỳ tập trung xây dựng lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh để giữ vững hòa bình và giành độc lập, thống nhất ở mỗi nước. Song, đế quốc Mỹ vẫn nuôi tham vọng xâm lược, ra sức can thiệp vào miền Nam Việt Nam và Lào, âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, để làm bàn đạp tiến công các nước xã hội chủ nghĩa. Trước sự chuyển biến mới của cách mạng Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được tiến hành từ ngày 22/3-6/4/1955 tại tỉnh Sầm Nưa. Đảng Nhân dân Lào ra đời đã tạo cơ sở vững chắc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Lào, đồng thời là nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Lào - Việt Nam.

Thời kỳ này, sự đoàn kết và hợp tác Việt - Lào có bước phát triển vượt bậc. Đó là sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trên mặt trận quân sự, ngoại giao làm thất bại âm mưu phá hoại cách mạng Lào của chính quyền phái hữu Lào, góp phần vào việc đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Việt Nam và Lào. Đó là thắng lợi mở đường Hồ Chí Minh chạy dọc Trường Sơn không chỉ có ý nghĩa là đường giao thông huyết mạch chi viện cho miền Nam Việt Nam mà còn là căn cứ địa cách mạng của cả ba nước, thể hiện tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Sự phối hợp nhịp nhàng về ngoại giao giữa Việt Nam và các lực lượng yêu nước Lào tại Hội nghị Giơneơ 1962 về Lào đã đưa đến thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ hai ở Lào. Đó là thắng lợi của sự đoàn kết chặt chẽ về chính trị qua việc tổ chức Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương tháng 4/1970 khẳng định quyết tâm đoàn kết, phối hợp chiến đấu chống việc chính quyền Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Đó là sự phối hợp chặt chẽ của quân dân hai nước trên hai chiến trường để cùng đánh bại cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ở miền bắc Việt Nam và ở Lào, đưa đến việc ký Hiệp định Pari về Việt nam và Hiệp định Viêng Chăn về Lào đầu năm 1973. Ngày 5/4/1974, Chính phủ liên hiệp lần thứ ba ở Lào được thành lập.

Việc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời ngày 2/12/1975 là thắng lợi to lớn, triệt để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam.

8. Giai đoạn 1975-1985: Hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào

Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tuy nhiên, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hai nước Việt Nam và Lào đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài 30 năm, đặc biệt là hậu quả thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Nền kinh tế của Việt Nam và Lào về cơ bản còn hết sức lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Điểm xuất phát của hai nước đều từ nền kinh tế nông nghiệp có trình độ canh tác, năng suất và sản lượng rất thấp; tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tính tập trung bao cấp từ thời chiến tranh...Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài cấu kết, tìm cách chia rẽ, Việt Nam với Lào gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ giữa hai nước.

Đây là thời kỳ mà Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền ở mỗi nước; do vậy, cả hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục... Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất, dẫn tới sự thay đổi về chất trong nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia, nâng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.

Năm 1976, Việt Nam và Lào đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong vòng hai tháng rút toàn bộ quân đội và chuyên gia Việt Nam về nước và bắt đầu xúc tiến việc hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước. Ngày 30/4/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyêt về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng là vì lợi ích thiết thân của cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 15-18/7/1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Việc ký kết ngày 18/7/1977 Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới, tạo cơ sở để ký hàng loạt các thoả thuận hợp tác sau này giữa hai nước.

Thành quả mười năm hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1976 -1985) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ. Từ 1976 - 1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào 5 năm (1981 - 1985) được ký kết, kèm theo nghị định thư thương mại hàng năm, đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước...

Về biên giới, sau 8 năm tiến hành, đến ngày 24/1/1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài hơn 2000 km đã hoàn thành.

Với những thành tựu to lớn đạt được sau chặng đường 10 năm (1976 -1985) thế và lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không ngừng được củng cố và tăng cường trong giai đoạn đổi mới tiếp theo.

9. Giai đoạn 1986 - 2012: Củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào

Từ khi hai nước tiến hành đổi mới vào năm 1986, quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Tháng 7/1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Tháng 10/1991, đồng chí Kay-sỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư  Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân cách mạng Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường, củng cố và nâng cao quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.


Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, đặc biệt sau khi cả hai nước vừa tiến hành xong Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội của mỗi nước. Trong năm 2011, Đoàn Lào sang  thăm Việt Nam có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (8/2011), Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông (3/2011), Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Ya-tho-tu (8/2011), Uỷ viên BCT, Phó Thủ tướng Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt thăm khảo sát cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn (10/2011). Đoàn Việt Nam thăm Lào có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (6/2011); Thủ tướng Chính phủ Nguyến Tấn Dũng (9/2011); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (11/2011).

Đầu năm 2012, thực hiện thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước về Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, việc trao đổi đoàn giữa hai bên được đẩy mạnh về số lượng, đa dạng về hình thức thăm, kể cả cấp cao và các cấp, bộ, ngành, địa phương hai nước. Nổi bật, đoàn Lào thăm Việt Nam có: Thủ tướng Thoong-xỉnh thăm và làm việc tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định (02/2012); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít dự Giao lưu hai Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ 6 tại Hà Tĩnh (3/2012); Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Ya-tho-tu thăm Việt Nam và dự Hội nghị Hợp tác hai Quốc hội Việt Nam - Lào (4/2012); Phó Thủ tướng Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt thăm làm việc tại một số tỉnh miền Nam và miền Trung Việt Nam (4/2012), tham dự Hội nghị đánh giá tình hình hợp tác đầu tư giữa hai nước (7/2012); Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Bun-nhăng Vo-la-chít thăm chính thức và dự Lễ Mít-tinh kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (7/2012). Đoàn Việt Nam thăm Lào có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao dự Hội đàm Hai Bộ Chính trị (1/2012); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2/2012); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (7/2012); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 34 (01/2012); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2012); Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thăm hữu nghị chính thức và dự Lễ Mít-tinh kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (7/2012).

Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012 đã triển khai các hoạt động kỷ niệm với nội dung phong phú và thiết thực như: trao đổi đoàn các cấp; mít tinh tại thủ đô hai nước, tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ 3 tại Việt Nam (7/2012); giao lưu gặp gỡ giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước; tổ chức các hội nghị hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực hợp tác như, Hội nghị Hợp tác hai Quốc hội tại tỉnh Sơn La (4/2012), Hội nghị phát triển nông nghiệp giữa hai nước (5/2012), Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Lào do Bộ KHĐT và Hiệp hội AVIL tổ chức tại Hà Nội (4/2012)...; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao như khai mạc triển lãm "Sách báo - Mùa xuân hữu nghị Việt Lào" (4/2012), Hội diễn văn nghệ quần chúng người Việt Nam tại Lào (5/2012); tổ chức nhiều cuộc nói chuyện tại các cơ quan trung ương và địa phương nhằm tuyên truyền sâu rộng mối quan hệ hai nước; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào với số lượng người tham gia đông đảo...

Các cơ chế hợp tác giữa ta với Lào tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Tại Kỳ họp lần thứ 33 Uỷ ban liên Chính phủ hai nước (4/2011), hai bên đã ký Chiến lược về Hợp tác kinh tế-văn hóa giáo dục-khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011 – 2020; Hiệp định về Hợp tác kinh tế-văn hóa giáo dục-khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011- 2015. Tại Kỳ họp lần thứ 34 Uỷ ban Liên chính phủ hai nước (01/2012), hai bên đã khẳng định tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế đầu tư có trọng tâm trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Ngoài ra, hàng năm, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đã cử nhiều đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp... duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức, hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Đặc biệt, hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên đựợc tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

II. HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

1.     Về đầu tư trực tiếp FDI của Việt Nam vào Lào

Đầu tư của Việt Nam tại Lào từ năm 1989 đến tháng 6 năm 2012 có tất cả 435 dự án với tổng vốn đăng ký 5.250.794.502 USD, trong đó số dự án 100% vốn Việt Nam đầu tư có 300 dự án, trị giá 4.258.162.544 USD, liên doanh 135 dự án, trị giá 992.631.959 USD, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng điện, khoáng sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm.

1.1.         Hợp tác trong lĩnh vực điện và khai khoáng

Trong số 18 dự án (tổng công suất 3723 MW) thủy điện tại Lào mà các doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ Lào cấp phép, có 2 dự án đang triển khai xây dựng; số dự án đang thực hiện MOU: 11 dự án; thực hiện hợp đồng phát triển dự án (PDA) là 3 dự án, 2 dự án trả lại Chính phủ. Dự án thủy điện Xekaman 3 dự kiến sẽ phát điện thương mại vào cuối năm 2012.

Trong lĩnh vực khai khoáng, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư 55 dự án khai thác khoáng sản tại Lào với 36 doanh nghiệp, trong đó, 25 dự án đang tìm kiếm; 20 dự án khảo sát; 3 dự án nghiên cứu khả thi; 7 dự án đang khai thác, trên tổng diện tích 2.045.814 ha.      

1.2  Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông và dịch vụ

Đây là lĩnh vực hợp tác đầu tư được đánh giá là có hiệu quả nhất, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ điện thoại di động, internet hay đầu tư 100% vốn như PV Oil Lào đều đạt hiệu quả cao. Trong đó, Ngân hàng liên doanh Lào - Việt từ mức vốn ban đầu 10 triệu USD (1998) tăng lên 37,5 triệu USD tính đến hết năm 2011 (BIDV nắm giữ 65% cổ phần của LVB, và BCEL nắm giữ 35%). Công ty Liên doanh viễn thông Viettel – Star Telecom khai trương dịch vụ với tên gọi Unitel vào năm 2009 chỉ chiếm 2% thị phần viễn thông Lào, năm 2012 doanh nghiệp này đã chiếm hơn 50% thị phần, tổng doanh thu tăng mạnh năm 2009 đạt 13 triệu USD, năm 2010 đạt 60 triệu USD, năm 2012 dự kiến đạt 130 triệu USD.

1.3.         Lĩnh vực bất động sản

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng thu được nhiều thành công như dự án Golf Long Thành, dự án phát triển bất động sản tại Viêng Chăn của HAGL, dự án khách sạn tại Champasak của công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai).

2. Thương mại

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây với tốc độ trung bình 30%/năm, từ mức khiêm tốn 45 triệu USD/năm vào đầu những năm 1990 đã lên đến 422 triệu USD năm 2008.  Năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng mạnh  đạt 490 triệu USD, tăng 17,3% so với năm 2009, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 198 triệu USD tăng 17,2% và nhập khẩu từ Lào đạt 292 triệu USD, tăng 17,4 % so với năm 2009. Năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt mức tăng trưởng mạnh, đạt 734 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 274 triệu USD, tăng 38,1% và thực hiện vượt 10% mức kế hoạch năm, nhập khẩu từ Lào đạt 460 triệu USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2012, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 900 triệu USD.

Trong cơ cấu hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Lào, chiếm tỷ trọng lớn nhất là xăng dầu tái xuất (khoảng 24%), tiếp theo là sắt thép, phương tiện vận tải, hàng dệt may, than đá, máy móc thiết bị, dây điện và cáp điện.

Việt Nam nhập khẩu từ Lào chủ yếu là gỗ, các sản phẩm gỗ và kim loại thường. Nhập khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ từ Lào trong năm 2011 tiếp tục tăng mạnh đến 93% so với cùng kỳ năm 2010, chiếm đến 68% kim ngạch nhập khẩu từ Lào.

Chương trình ưu đãi thuế quan Việt Nam – Lào được áp dụng từ năm 2001, đến 2012 Bộ Công Thương hai nước đã xem xét giảm thuế cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vào Lào khi nhập khẩu vào mỗi nước. Mức thuế ưu đãi được xác định giảm trước các mức thuế mà Lào và Việt Nam cam kết áp dụng với các nước trong khối ASEAN. Đến 2012, hầu hết các hàng hóa thông thường được sản xuất từ Việt Nam và Lào đều được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% khi nhập khẩu vào mỗi nước trừ những mặt hàng thuộc danh mục hàng nhạy cảm của mỗi nước.



Thương mại biên giới đóng vài trò quan trọng trong phát triển quan hệ  thương mại, hợp tác xóa đói giảm nghèo tại vùng biên hai nước. Năm 2012, Chính phủ hai nước đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương mỗi nước phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống chợ biên giới Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam đến năm 2020.

3. Hợp tác trên các lĩnh vực khác

3.1. Hợp tác giáo dục, đào tạo

Hai nước đã ký kết và triển khai “Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt- Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020” và coi đây là cơ sở cơ bản để phát triển nguồn nhân lực hai nước, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước; ký Nghị định thư và kế hoạch năm 2012 về hợp tác giáo dục nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hữu nghị chính thức Lào (2/2012).

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam dành 695 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Chính phủ Lào dành 40 suất học bổng hệ đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh Việt Nam học tập các ngành, nghề tại Lào. Hai ngành giáo dục hai nước đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Lào và Việt Nam sang học tập tại mỗi nước; các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã khẩn trương phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, đảm bảo số lượng với những hình thức phù hợp với đặc thù của từng Bộ, ngành. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam bằng những nỗ lực cố gắng của mình đã giúp đào tạo góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho các Bộ, ngành, địa phương của Lào.

3.2. Hợp tác giao thông vận tải

Hai bên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước (Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào, Thỏa thuận 3 bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường bộ, Hiệp định ba bên về tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia). Hai bên đã phối hợp chặt chẽ đảm bảo tiến độ xây dựng đường 2E (Mường Khoa - Tây Trang) và hoàn thành trong năm 2012; tạo điều kiện để Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam khai thác hiệu quả cảng Vũng Áng trên cơ sở Thỏa thuận về sử dụng cảng Vũng Áng ký ngày 20/7/2001.

3.3. Hợp tác văn hoá, thể thao

Hai bên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; đã hoàn thành Dự án biên soạn lịch sử đoàn kết đặc biệt Việt - Lào giai đoạn 1930-2007 và đang triển khai việc công bố, phổ biến rộng rãi các sản phẩm của Dự án này trong nhân dân hai nước và bạn bè các nước; xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Xiêng Vang, tỉnh Khăm Muộn, Lào (Khánh thành tháng 11/2012).

III. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI LÀO

1.     Tình hình chung

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào được hình thành đã lâu, qua nhiều thế hệ, khoảng 4-5 thế hệ, là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất tại Lào, sống tập trung tại thủ đô Viêng-chăn và các điểm dân cư lớn tại Trung và Nam Lào. Sau năm 1975, một số Việt kiều tại Thái Lan sang sinh sống tại Lào. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào do 3 bộ phận hợp thành: (1) gồm những người Việt mang quốc tịch Lào, được gọi là người Lào gốc Việt; (2) những người cư trú lâu dài hoặc sinh ra trên đất Lào hợp pháp, được chính quyền Lào cấp các giấy tờ tùy thân, những người này vẫn mang quốc tịch Việt Nam; (3) những người Việt Nam cư trú để làm ăn tại Lào theo thời vụ. Theo thống kê không chính thức, hiện nay có khoảng 30.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào, phần lớn tập trung tại các tỉnh Viêng-chăn (khoảng 5.000), Chăm-pa-sắc (khoảng 5.000), Sa-van-na-khet (khoảng 3.000), Khăm-muộn (khoảng 2000), ngoài ra người Việt còn sống ở một số tỉnh như Bo-ly-khăm-xay, Luông-pra-bang, Xiêng-khoảng, Sê-kông, Attapư,…

Việt kiều ở Lào có truyền thống yêu nước, gắn bó với quê hương, đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân địa phương, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại. Phát huy bản chất cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất, kinh doanh. Một số thương nhân Việt kiều hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhiều doanh nghiệp Việt kiều đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực ở một số địa phương, có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh. Nhiều kiều bào đã được Chính phủ Lào tặng thưởng huân chương, huy chương vì có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta cũng như của bạn Lào. Từ ngày có Tổng hội người Việt Nam tại Lào dưới sự quản lý của Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, mái nhà chung của bà con Việt kiều, phong trào hướng về cội nguồn ngày càng phát triển, trở thành cầu nối vững chắc trong quan hệ Việt-Lào, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào.

Chính phủ Lào tạo mọi điều kiện để Việt kiều được làm ăn  sinh sống  góp phần xây dựng đất nước Lào giàu mạnh. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với những chủ trương, chính sách hết sức thuận lợi mà gần đây nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là đối với bà con tại Lào và Campuchia còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước còn dành nhiều ưu tiên, hỗ trợ nhất định cho bà con Việt kiều.

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, ý thức bảo tồn ngôn ngữ Việt và bản sắc văn hóa Việt Nam, tại các địa phương có đông người Việt Nam sinh sống, các kiều bào đều tổ chức học văn hóa, lập các trường học cho con em Việt kiều. Các trường học dạy theo chương trình giáo dục của Lào nhưng có thêm môn tiếng Việt, nhiều học sinh là con em người Lào cũng tham gia học. Đến năm 2012, toàn Lào có 12 trường tiểu học, mẫu giáo do Hội người Việt tại các tỉnh quản lý. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động hướng về đất nước luôn được các hội quan tâm duy trì thường xuyên, điển hình là các Câu lạc bộ Đồng hương tỉnh Xiêng Khoảng, Hội người Việt Nam tỉnh Khăm-muồn, tỉnh Savannkhet và thị xã Pakse.

Bà con Việt kiều phần đông là những người lao động, ít người giàu có; đa số là buôn bán và làm nghề thủ công, dịch vụ, sửa chữa với hình thức, quy mô vừa và nhỏ; một số ít kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch,…. Do cần cù, chịu khó, tháo vát nên nhìn chung cuộc sống của bà con kiều bào tạm ổn, có mức sống trung bình. Việt kiều tại Lào có nhiều thuận lợi trong làm ăn, buôn bán.

Mặt bằng dân trí của Việt kiều còn thấp, do điều kiện hoàn cảnh lịch sử và thực tế cuộc sống, ít có cơ hội học tập lên cao, số có trình độ đại học rất ít.

Đa số người Việt tại Lào theo đạo Phật (khoảng 80%). Tại những nơi có đông người Việt, kiều bào ta xây dựng đền, chùa Việt Nam (Vientiane có 2 chùa, 2 đền; Sa-vằn-na-khét có 2 chùa, Khăm-muộn có 2 chùa; Pắc-sê có 3 chùa, Luông-pra-băng có 1 chùa). Đền, chùa là nơi bà con thể hiện tín ngưỡng, gặp gỡ, đoàn kết, làm việc thiện và giữ gìn phong tục, tập quán.

2.     Các tổ chức hội Việt kiều

Năm 2009, Đại hội của Hội Việt kiều 11 tỉnh/ thành tại Lào đã thống nhất thành lập Tổng hội người Việt Nam tại Lào. Ban Chấp hành Tổng hội có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên. 11 Chủ tịch thành hội, tỉnh hội là ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội. Tổng hội người Việt nam tại Lào là thành viên của Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Tại 11 tỉnh, thành phố có Hội người Việt Nam: thủ đô Viêng-chăn, các tỉnh Luông-pra-bang, Xiêng-khoảng, Uđômxay, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muộn, Sa-vằn-na-khét, Chăm-pa-sắc, Sa-la-van, Sê-kông và Attapư. Các tỉnh Hội đều là thành viên Mặt trận Lào xây dựng đất nước của Tỉnh.

Các tỉnh: Xaynhabuly, Hủa Phăn cũng đã lập Hội người Việt nam nhưng chưa chính thức là thành viên Tổng Hội người Việt Nam tại Lào.    

3. Về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt kiều

Theo thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng 124 doanh nghiệp Việt kiều đang hoạt động kinh doanh tại Lào, trong đó thủ đô Viêng-chăn 41 doanh nghiệp, Uđômxay 05 doanh nghiệp, Savanakhet 08 doanh nghiệp, Champasac 06 doanh nghiệp, Khămmuộn 24 doanh nghiệp, Luangprabang 40 doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp Việt kiều tại Lào là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ,  khách sạn, nhà hàng, kinh doanh thương mại… Để thuận lợi trong làm ăn sinh sống, đa số Việt kiều nhập quốc tịch Lào.

Các doanh nghiệp Việt kiều tham gia tích cực và gắn bó với Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và Đầu tư tại Lào. Một số doanh nhân Việt kiều tham gia Ban Lãnh đạo Hội.



PHẦN THỨ BA

MỘT SỐ MỐC LỊCH SỬ ĐÁNG NHỚ
TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM-LÀO

         - Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị thông qua những văn kiện quan trọng, xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

          - Ngày 04/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, lúc đó đang ở Thành phố Vinh, Nghệ An ra Hà Nội để gặp Người bàn về cuộc kháng chiến sắp tới ở Lào. Cuộc gặp lịch sử của hai nhà lãnh đạo đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào cùng chống kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập của mỗi nước.

         - Tháng 10/1945, Chính phủ hai nước ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam-Lào.

         - Từ ngày 13-15/8/1950, tại Tuyên Quang (Việt Nam), Đại hội quốc dân Lào họp và quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận dân tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Ítxala, do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước mắt là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hoà bình thế giới.

         - Ngày 11/3/1951, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương khai mạc tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxala, của Mặt trận Khơ Me Ítxarắc đã thảo luận và nhất trí thành lập Khối Liên minh nhân dân Việt Nam-Lào-Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương.      

         - Ngày 08/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Nước Pháp và các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.

         - Ngày 05/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.




- Đầu năm 1963, Vua Lào Xỉ-xá-vàng Vắt-thạ-na dẫn đầu đoàn đại biểu Hoàng gia Lào thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi Vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...hai dân tộc Việt Nam và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt-Lào thật là thắm thiết không bao giời phai nhạt được”.  

         - Ngày 31/8/1976, hai nước đã ký Hiệp định thành lập Uỷ ban hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, giúp cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam không ngừng phát triển.

         - Từ ngày 15-18/7/1977, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào.

         - Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào chính thức ký kết: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

         - Sau 8 năm tiến hành, đến này 24/01/1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067 km đã hoàn thành.  

         - Từ ngày 2-4/7/1989, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Lào. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ chính trị Việt Nam-Lào trong giai đoạn này là hai nước vẫn kiên định giữ vững định hướng chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa.

         -  Tháng 10/1991, Đoàn đại biểu Đảng NDCM Lào do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam. Hai bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường củng cố và nâng cao quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, định kỳ trao đổi đoàn cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại trên các diễn đàn quốc tế.

         - Từ ngày 01-04/4/1993, Chủ tịch BCHTW Đảng, Thủ tướng Chính phủ Khăm-tày Xỉ-phăn-đon thăm hữu nghị Việt Nam. Hai bên ký Hiệp định kiều dân.

         - Từ ngày 01-03/11/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm chính thức Lào.

         - Từ ngày 12-14/8/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Lào. Hai bên ký Chương trình hợp tác nông-lâm nghiệp giai đoạn 1997-2000.

         - Từ ngày 06-12/1998, Thủ tướng Xỉ-xa-vạt Kẹo-bun-phăn thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ký các Hiệp định quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự.

         -  Từ ngày 04-07/1/1999, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Khăm-tày Xỉ-phăn-đon thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ra Tuyên bố chung.

         - Từ ngày 15-17/5/2000, Thủ tướng Pham Văn Khải thăm chính thức Lào. Hai bên ký Thoả thuận về nguyên tắc xây dựng đường 18B trên lãnh thổ Lào.

         - Từ ngày 09-12/7/2001, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Lào. Hai bên ra Tuyên bố chung - một văn kiện quan trọng đánh dấu bước mới trong quan hệ Việt Nam-Lào khi bước vào thế kỷ 21.

         - Từ ngày 17-21/7/2001, Thủ tướng Bun-nhăng Vo-la-chit thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ký Hiệp định tín dụng xây dựng đường 18B và Thoả thuận về quy chế sử dụng cảng Vũng Áng.

         -  Từ ngày 13-14/5/2002, Tổng Bí thư, Chủ tịch Khăm-tày Xỉ-phăn-đon thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ký nhiều Thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giáo dục và đào tạo.

         - Từ ngày 09-12/6/2003, Chủ tịch Quốc hội Xa-mản Vi-nha-kệt thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

         - Từ ngày 07-19/3/2004, Đoàn đại biểu kinh tế cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam do Đ/c Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Lào.

         - Từ ngày 24-26/3/2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Lào.

         - Từ ngày 10-13/10/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên ra Tuyên bố chung.

         - Từ ngày 05-07/02/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Lào.

           - Từ ngày 23-25/4/2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính Lào.
- Từ ngày 05-10/01/2008, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Lào và dự Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 30 tại Lào.
- Từ ngày 23-25/4/2009, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
- Từ ngày 13-15/4/2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Lào.
- Từ ngày  24-26/8/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Lào.
         - Từ ngày 28-30/3/2010, Phó Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chit thăm chính thức Việt Nam.
- Từ ngày 15-17/9/2010, Thủ tướng Chính phủ Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn thăm chính thức Việt Nam.

- Từ ngày 28/02-02/3/2011, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông thăm chính thức Việt Nam.
- Từ ngày 20-22/6/2011, Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
         - Từ ngày 8-10/8/2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn thăm chính thức Việt Nam.
          - Từ ngày 9-11/2/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hữu nghị chính thức Lào và mở đầu Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào.
         - Từ ngày 22-26/4/2012, Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Za-tho-tu thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Hội nghị Quan hệ Hợp tác Quốc hội Việt - Lào.

         - Từ ngày 18-20/6/2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm chính thức Lào.

         - Từ ngày 03-05/7/2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Lào.

         - Từ ngày 17-20/7/2012, Đoàn đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư sang thăm chính thức Lào và dự Lễ Mít-tinh kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. Đồng thời, Đoàn đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chít, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào sang thăm chính thức Việt Nam và dự Lễ Mít-tinh kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.

(Nguồn: DSQ VN tại Lào)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết