Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 6/2014)

Go down

Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 6/2014) Empty Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 6/2014)

Bài gửi by Đoàn Minh Fri Feb 27, 2015 12:10 am

1/ Thiếu hụt thu ngân sách ảnh hưởng đến chi tiêu công

Năm tài chính 2013-14, thu ngân sách một lần nữa có thể không đạt được mục tiêu đề ra, điều này sẽ làm cho vấn đề về ngân sách trở nên căng thẳng khi chính phủ cố gắng đáp ứng kế hoạch chi tiêu và đầu tư cho các dự án công. Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về thu ngân sách trong năm tài chính này lên tới 25.261 tỷ kip (3,1 tỷ USD), kế hoạch chi ngân sách 29.745 tỷ kip (3,7 tỷ USD). Phát biểu tại phiên họp Quốc hội tuần giữa tháng 6/2014, ông Liên Thikeo, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách của 8 tháng đầu năm tài chính chỉ đạt 52.9% kế hoạch năm.
Trong đó thu nội địa trong 8 tháng đầu năm đạt 10.578 tỷ kip, tương đương 52% kế hoạch năm, thu từ viện trợ không hoàn lại đạt 2.759 tỷ kip, tương đương với 55% kế hoạch năm. Ông Lien Thikeo dự báo thu ngân sách năm tài chính 2013-14 chỉ đạt 90% kế hoạch cho dù chính phủ đã lập một ủy ban để thúc đẩy thu tốt hơn, đặc biệt là ở các tỉnh lớn. Bộ Tài chính cho biết có nhiều yếu tố góp phần vào việc thu ngân sách không đạt được mục tiêu đề ra, một trong những nguyên nhân chính là Bộ Tài chính không có biện pháp cụ thể để đảm bảo người kinh doanh và doanh nghiệp phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Ông Liên Thikeo cho biết Bộ Tài chính sẽ cải thiện cơ chế quản lý và thúc đẩy mọi thành phần trong xã hội thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách trả thuế dựa trên luật pháp.
Trong khi đó, chính phủ sẽ dừng hoặc hoãn chi vào các dự án không cần thiết hoặc không khẩn cấp để giữ cân bằng cán cân ngân sách. Trong 8 tháng năm tài chính 2013-14, chi Chính phủ đã đạt 13.463 tỷ kip, tương đương với 45,26 % kế hoạch cả năm và thấp hơn so với dự báo. Sự chậm trễ trong việc đáp ứng các mục tiêu chi là do sự thiếu hụt thu ngân sách. Năm tài chính trước, Chính phủ cũng đã phải đối mặt với việc thiếu hụt trong thu ngân sách buộc Chính phủ phải dừng việc trợ cấp hàng tháng 760.000 Kíp cho cán bộ công chức, cũng như đã phải dừng nhiều dự án để tránh khủng hoảng tài chính. (Vientiane Times – 19/6/2014)

2/ BOL đưa ra các biện pháp mới nhằm hạn chế giao dịch ngoại tệ

Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) đã có chính sách hạn chế lưu thông ngoại tệ trong các giao dịch nội địa, đây là một phần các biện pháp nhằm ổn định giá đồng tiền quốc gia. Việc lưu thông rộng rãi các đồng ngoại tệ như Bath Thái và đồng Đô la làm suy yếu vai trò của ngân hàng trung ương nhằm giữ giá trị đồng Kíp ổn định và đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng trung ương đã hoàn thiện dự thảo Luật tiền tệ và quản lý các mặt hàng có giá trị và đang lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi trình lên Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn trong năm nay.
Theo dự thảo luật này, một trong những biện pháp mới mà Ngân hàng trung ương sẽ triển khai nếu được Quốc hội thông qua là tất cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Lào phải thanh toán lương cho người lao động bằng tiền Kíp. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức quốc tế vẫn thành toán lương bằng ngoại tệ, người lao động cũng sử dụng ngoại tệ để mua sắm hàng hóa và thanh toán nợ. Ngân hàng trung ương đã phạt các doanh nghiệp quảng cáo giá hàng hoán bằng ngoại tệ tuy nhiên biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để hạn chế việc lưu thông ngoại tệ trên toàn quốc.
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đưa luật này vào thực hiện khi các tổ chức quốc tế từ lâu đã quen với việc trả lương bằng ngoại tệ. Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi đa số người Lào sống dọc biên giới với Thái Lan có thói quen sử dụng tiền Bath là công cụ giao dịch chính. Các chuyên gia cho rằng ngân hàng trung ương phải khởi động chiến dịch khuyến khích người dân sử dụng đồng Kíp. Ngân hàng trung ương cũng phải đảm bảo ổn định tỷ giá hối đoái, tỷ giá trao đổi phải phù hợp với tỷ giá chính thức. (Vientiane Times – 18/6/2014)

3/ Tạm dừng thành lập ngân hàng thương mại

Ngân hàng trung ương Lào đã ban hành lệnh cấm thành lập các ngân hàng thương mại trong cả nước từ nay đến 2016 nhằm đánh giá hiệu quả của các ngân hàng hiện tại. Ông Phoutthaxay Syvilay, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngân hàng thương mại Ngân hàng Nhà nước Lào cho biết thông báo này thể hiện nỗ lực của Chính phủ cải cách cấu trúc ngân hàng và chuẩn bị cho việc hội nhập ngành ngân hàng khu vực và quốc tế. Số lượng ngân hàng thương mại đã tăng từ 12 năm 2006 lên 33 hiện nay bao gồm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Theo ông Phoutthaxay, các ngân hàng thương mại của Lào có quy mô nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực và khả năng cạnh tranh hạn chế vì vậy Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá, tạm ngừng cấp phép để sửa đổi chính sách, luật lệ, cải tiến hệ thống ngân hàng phù hợp với tình hình trong nước và khu vực. Điều này nhằm đảm bảo củng cố hệ thống ngân hàng thương mại. Ông cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý tới việc mở rộng chi nhánh của các ngân hàng thương mại nước ngoài tại Lào.  (KPL News – 04/6/2014)

4/ Chính phủ có thể dỡ bỏ lệnh cấm tô nhượng đối với các dự án khai khoáng, trồng cây công nghiệp

Chính phủ có thể dỡ bỏ lệnh cấm và phê duyệt lại các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực khai khoáng và tô nhượng đất trong trồng cây cao su và bạch đàn, đây là một phần nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trong vòng 2 năm tới. Quan chức của Bộ KH&ĐT cho biết Chính phủ sẽ tiến hành phê duyệt các dự án một cách thận trọng thực hiện theo dự báo chiến lược, Chính phủ sẽ đẩy mạnh chất lượng đầu tư bằng cách phê duyệt chỉ một hoặc 2 dự án tại mỗi tỉnh hoặc vùng. Chính phủ đã dừng phê duyệt các dự án khai khoáng và tô nhượng đất trong lĩnh vực trồng cây cao su và bạch đàn vào năm 2012 sau khi nhận thấy nhiều nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng và pháp luật có liên quan.
Theo Bộ KH&ĐT, Lào đã phê duyệt 4.492 dự án đầu tư tô nhượng đất từ năm 1988 trên nhiều lĩnh vực, với tổng giá trị hơn 24,8 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng chiếm tỷ lệ cao nhất với 299 dự án, trị giá hơn 7,1 tỷ USD; tiếp theo là thủy điện, có 46 dự án trị giá trên 6,6 tỷ USD; nông nghiệp với 985 dự án trị giá trên 2,7 tỷ USD; và cuối cùng là khu vực dịch vụ với 664 dự án trị giá hơn 2,5 tỷ USD.
Theo báo cáo của năm ngoái của Chính phủ, đã có 212 dự án  trồng cây cao su và bạch đàn được phê duyệt với diện tích đất tô nhượng là 574.534 hectar, tổng vốn đầu tư 1,65 tỷ USD. Trong 212 dự án trên có 35 dự án được cấp trung ương phê duyệt, số còn lại được chính quyền các tỉnh phê duyệt; 201 dự án là trồng cây cao su. (Vientiane Times – 10/6/2014)

5/ Dự án đường sắt Savan – Lao Bảo sẽ được triển khai vào cuối năm

Dự án đường sắt trị giá 5 tỷ USD nối tỉnh Trung Lào Savanakhet đến biên giới Việt Nam sẽ được khởi công dự kiến tháng 12/2014. Nhà phát triển dự án cho biết dự án đường sắt có chiều dài 220km này sẽ được xây dựng trong vòng 4 năm, trong đó thời gian xây dựng sẽ là 2 năm, và hai năm tiếp theo sẽ dành cho việc thử nghiệm. Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Malaysia tại Lào, Chủ tịch Tập đoàn Giant Rail Company Limited (GRCL) nhà phát triển dự án, ông Mohammad Fadzwi Bin Hamidun cho biết vốn cho việc triển khai dự án đã được thu xếp. Nguồn vốn này đến từ các ngân hàng nước ngoài, hiện đang đợi sự phê duyệt cuối cùng về thủ tục chuyển ngoại tệ và quyền tô nhượng từ Chính phủ Lào.
Tại Cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan của Lào GRCL đã trình bày thiết kế dự án, các cầu phải xây, các thị trấn, và các hệ thống khác sẽ được xây dựng. Nhà phát triển cũng đã đề xuất tổ chức lại các hành lang đường sắt, theo đề xuất trước đây các tuyến đường sắt đi qua khu vực đông dân, trường bắn quân đội và các nhà máy. Một số khó khăn trong việc triển khai dự án cũng đã được đề cập như việc rà phá bom mìn, GRCL cho biết làm sạch UXO phải được hoàn thành trước khi tiến hành xây dựng dự án. Các quan chức của Lào cho biết việc rà phá bom mìn có thể là trở ngại lớn đối với việc thực hiện dự án, ông Achung Laomao, Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư Lào cho biết vấn đề UXO có thể dẫn đến chậm thời gian dự án và là nguyên nhân là chậm việc triển khai dự án. (Vientiane Times – 30/6/2014)

6/ Tình hình đầu tư tại Viêng Chăn

   Báo cáo gần đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thủ đô Viêng Chăn cho thấy kể từ năm 2008 đến nay đã cấp tô nhượng đất cho 25 dự án đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn 1,66 tỷ USD, diện tích đất tô nhượng là 11,67 triệu m2. Các lĩnh vực chính thu hút các nhà đầu tư là bất động sản, nhà ở, trung tâm thương mại hiện đại, phát triển khu đô thị mới, khai khoáng, xây dựng, viễn thông và cung cấp năng lượng. Chính quyền thành phố cũng đã ký MOU với nhà đầu tư để tiến hành nghiên cứu khả thi 12 dự án đầu tư và phát triển khác. Ngoài ra, 3 dự án liên quan đến lĩnh vực nhà nước đang được tiến hành đàm phán về vấn đề tô nhượng. Sở Công Thương cũng cho biết hai năm tài chính vừa quan 2011-12; 2012-13 đã cấp giấy phép kinh doanh cho 5.694 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký lên đến 127,31 tỷ USD.
Sở KH&ĐT dự báo GDP của Viêng Chăn trong năm tài chính này sẽ tăng trưởng 12,8% tăng so với dự báo 12,7% trước đó, GDP cho năm tài chính tới 2014-2015 cũng sẽ không thấp hơn mức 12,8%. Giá trị GDP cho năm tài chính tới sẽ đạt 35,4 nghìn tỷ Kíp, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.390 USD; năm tài chính này giá trị GDP ước đạt 29.912 tỷ Kíp, GDP bình quân đầu người đạt 3.800 USD. (Vientiane Times – 26/6/2014)

7/ Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Lào

Ông Liu Hongkuan, cán bộ cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tại Cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỏ Lào ông Sinnava Souphaouvong cho biết mối quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ Trung Quốc và Lào đã thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng tại Lào. Trung Quốc đã đầu tư 24 dự án trong lĩnh vực năng lượng tại Lào, hai trong số đó đã đưa vào vận hành thương mại và bán điện ra thị trường. Ông Sinnava cho biết, tổng đầu tư của Trung Quốc vào dự án thủy điện tại Lào có trị giá 2,5 tỷ USD với tổng công suất 5.483 MW, các dự án này giúp tăng năng lực sản xuất điện tại Lào đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là cung cấp điện cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 12.000 MW vào năm 2020.
Ông Sinnava cho biết, trong lĩnh vực khai khoáng, các công ty Trung Quốc chiếm 1/3 trong tổng số 65 công ty đang tiến hành khai thác khoáng sản tại Lào, ông Sinnava tin tưởng cùng với mốt quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong tương lai các công ty Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Liu cho biết, Chính phủ Trung Quốc luôn đáp ứng các điều kiện kinh tế tốt nhất cho các công ty Trung Quốc trong đó các công ty dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, cũng như tạo quan hệ tốt với Lào và các nước khác. Đến nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với tổng vốn 5,3 tỷ USD. (Vientiane Times – 9/6/2014)

8/ Tập đoàn công nghiệp nặng Sany mở đại lý tại Lào

Ngày 30/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Viêng Chăn, công ty công nghiệp nặng Sany Trung Quốc (Sany Heavy Industries), một trong mười nhà sản xuất máy móc công nghiệp nặng của thế giới đã tổ chức lễ công bố mở đại lý tại Lào, đánh dấu chính thức mở rộng thị trường tới nước này. Nhân dịp này công ty Liên hợp quốc tế châu Á (Asia International United Company) đã tổ chức triển lãm về máy móc Sany tại Trung tâm nói trên. Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ Công thương Bounmee Maneevong cho rằng Sany mở đại lý tại Lào là do nước này đang đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng vì vậy công nghiệp nặng có nhu cầu cao và rất cần thiết cho phát triển đất nước. Tập đoàn Sany được thành lập năm 1994 có trụ sở tại khu Phát triển công nghệ kinh tế Changsha. (KPLNews – 04/6/2014)

9/ Phát hiện tiền giả tại Bắc Lào

Trong thông báo ngày 21/5, chính quyền tỉnh Hủa Phăn cho biết tiền kíp Lào, VND, USD giả đang được tiêu thụ trên địa bàn ảnh hưởng tới đời sống của người dân và người bán hàng. Một nhóm người đã dùng tiền giả để mua hàng hóa và đổi tiền với mệnh giá thường thấy gồm 50.000 kíp, 100.000 kíp, 100.000 VND và 100 USD. Theo ông An Ounanongsack, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hủa Phăn, để giải quyết vấn đề này, lực lượng an ninh đang phối hợp với chính quyền các bản theo dõi và điều tra dấu vết tiền giả nhằm tiêu hủy và ngăn không cho tiêu thụ rộng rãi. Từ tháng 4/2014 các ngân hàng thương mại địa phương và các chợ đã phát hiện thấy tiền giả. Nhiều người dân vẫn còn sở hữu tiền giả nhận từ khách hàng (KPL News – 04/6/2014)

10/ Giant Consolidated Limited phản hồi thông tin

Trước thông tin được cho là gây hiểu nhầm do một quan chức không rõ tên của Chính phủ Lào đưa ra, Giant Consolidated Limited, nhà thầu xây dựng đường sắt Sa-va-na-khẹt – Lao Bảo đã ra thông cáo báo chí ngày 02/6 giải thích rằng công ty Digimap Sdn Bhd của Malaysia đang tiến hành đợt khảo sát cuối cùng nhằm điều chỉnh tuyến đường sắt. Đợt khảo sát đầu tiên do công ty Trung Quốc tiến hành dưới chỉ đạo của Sở Công chính và Vận tải Sa-va-na-khét phải điều chỉnh do hành lang đường sắt theo kế hoạch ban đầu đi qua doanh trại quân đội, nghĩa địa, xí nghiệp và khu đông dân cư. Việc đánh dấu mốc đã hoàn tất và tọa độ 154 công trình dọc hành lang đường sắt từ Sa-va-na-khẹt tới Dan Savan đã được định vị. Dự kiến nhiều công trình hơn nữa sẽ được định vị khi tuyến đường được điều chỉnh để tránh đi qua các khu vực vướng mắc gây tăng chi phí xây dựng. Đội rà phá bom mìn vẫn làm việc hàng ngày và đã dò được 9 bom mìn chỉ riêng tại khu vực dự định xây ga Nasy. Công ty cho rằng cần phải dọn sạch bom mìn trước để đảm bảo an toàn. Theo thông cáo, sau khi ký Hợp đồng khung (Master Agreement) vào 5/11/2012, công ty đã tiến hành các việc sau:
Một tuần sau khi ký, nộp 1,3 triệu USD tiền đặt cọc cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Hợp đồng khung.
Từ 04-28/11/2012, nhóm công tác của Bộ Công chính và Vận tải, Cơ quan quản lý đường sắt Lào, Sở Công chính và Vận tải Sa-va-na-khẹt và nhà thầu, giám sát đã đi khảo sát thực địa
Ngày 23/4/2013, CCCC Third Harbor Engineering được chọn để thiết kế và quy hoạch các thành phố dọc đường sắt. Tháng 6/2013, báo cáo đầu tiên về các công việc chuẩn bị nói trên được trình lên Chính phủ thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan quản lý đường sắt Lào. Ngày 18/12/2013, lễ khởi công và động thổ dự án tại Sa-va-na-khẹt diễn ra với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Vận tải Malaysia Datuk Aziz Kaprawi, Đại sứ Malaysia Dato Than Tai Hing và các quan chức liên quan của hai nước. Ngày 13/02/2009, Công ty đã ký Bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Trị nhằm kết nối đường sắt từ Lao Bảo đến Đông Hà và đưa tuyến đường sắt từ Viêng Chăn tới cảng nước sâu Mỹ Thủy. (KPL News – 04/6/2014)

11/ Cầu hữu nghị Lào - Myanmar đạt 75%

Ông Xaisongkham Manotham, Quản lý dự án xây dựng cầu hữu nghị Lào – Myanmar cho biết trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch xây dựng, cây cầu đã hoàn thành 75% theo kế hoạch trong đó phía Lào được 70% và phía Myanmar 81%. Ông bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự giám sát của Đảng bộ tỉnh Luông Nậm Thà, dự án sẽ hoàn thành theo kế hoạch. Là kết quả của sự hợp tác Lào – Myanmar vào năm 2012, cây cầu đặt tại bản Houa Koum, huyện Long, tỉnh Luông Nậm Thà, cách thủ đô Viêng Chăn 698 km. Về phía Myanmar, cầu cách Kenglap, huyện Thachilek, Lat San 500 m về phía nam, cách thủ đô Nai Pi Taw 940 km. Khoảng cách từ cầu đến Hà Nội là 1020 km và đến biên giới Myanmar - Ấn Độ - Bangladesh là 1868 km. Cầu dài 691,6 m, rộng 10,9 m có 2 làn xe, chi phí xây dựng 26 triệu USD. Cầu nối với đường Quốc lộ số 17 của Lào và Quốc lộ số 4 của Myanmar và liên kết các nước tiểu vùng sông Mê Kông nhất là Lào, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc và trong tương lai với cả Ấn độ, Bangladesh. (KPL News – 05/6/2014)

12/ Chính phủ chấp thuận 7,5 tỷ kíp cho huyện Sangthong

Ông Saveng Xanay, Chánh Văn phòng huyện Sangthong, thủ đô Viêng Chăn cho biết Chính phủ đã chấp thuận 10 dự án Ba Xây trị giá 7,5 tỷ kíp trên địa bàn huyện. Các dự án này gồm trồng cỏ chăn nuôi bò (78 triệu kíp), đào tạo cán bộ địa phương (20 triệu kíp), sửa chữa trường học (300 triệu kíp), xây dựng cơ sở y tế (1,7 tỷ kíp), hệ thống cấp nước (3,85 tỷ kíp), nhà hội họp (900 triệu kíp), bãi rác (100 triệu kíp), khảo sát điểm du lịch Tat Taleuy (120 triệu kíp), cắm mốc rừng (70 triệu kíp). Huyện Sangthong bao phủ diện tích 76.000 ha và có dân số 29.000 người. Tiềm năng của  huyện là trồng lúa hữu cơ và sản xuất rau, đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre, lụa, chăn nuôi, trồng nông sản thương mại, cây ăn quả. Sangthong là một trong những huyện nghèo nhất tại Viêng Chăn và vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt là thiếu cơ sở hạ tầng vận tải. (KPLNews – 06/6/2014)

13/ Nhà máy giấy bắt đầu hoạt động tại Xay-xổm-bun

Tuần qua, nhà máy sản xuất giấy, đũa và hương thuộc công ty BMC – Laos có vốn đầu tư 2 triệu USD tại tỉnh Xay-xổm-bun đã bắt đầu đi vào hoạt động. Khoản đầu tư vào nhà máy có 8 tỷ kíp vay từ ngân hàng Phongsavanh và 2,4 tỷ kíp từ ngân hàng Quân đội Việt Nam.  Ông Tubi Yialiher, Tổng Giám đốc của BMC – Laos nói việc xây dựng nhà máy thể hiện nỗ lực triển khai chính sách của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi nền kinh tế từ tự cung tự cấp sang kinh tế thị trường, loại bỏ phương thức đốt nước làm rẫy và xóa đói giảm nghèo. Để đảm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô cho nhà máy, BMC – Laos đã khuyến khích người dân tham gia trồng tre tại huyện Anouvong, Longcheng, Longsane và Hom từ năm 2013. Nhà máy sẽ sản xuất 30 tấn giấy/ngày và sử dụng tới 120 tấn tre để sản xuất 15 tấn đũa/ngày. Nông dân tại 4 huyện dự kiến sẽ có thu nhập 14 tỷ kíp/năm từ bán tre. (KPL News – 25/6/2014)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết