Diễn đàn dịch thuật VIỆT-LÀO / LÀO-VIỆT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Tin tức trong ngày
RSS feeds


Yahoo! 



Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 11/2014)

Go down

Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 11/2014) Empty Tình hình thời sự nổi bật tại Lào (tháng 11/2014)

Bài gửi by Đoàn Minh Fri Feb 27, 2015 1:47 am

1/ Tình hình kinh tế Lào năm tài khóa 2013-14 và dự báo năm 2015

Tình hình kinh tế Lào năm tài khóa 2013-14

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, kết thúc năm tài khóa 2013-14, tốc độ tăng trưởng GDP đạt phương án mức trung bình là 7,6%; lạm phát năm tài khóa 2013-14 là 5,62% (năm tài khóa 2012-13 là 6,36%); kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 8,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3,58 ỷ USD và nhập khẩu đạt 4,55 tỷ USD, nhập siêu 0,97 tỷ USD; thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt 1.150 dự án với trị giá 3,38 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; Vốn hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA): trong năm tài khóa đã thực hiện được 777 dự án, trị giá 613,52 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 638 dự án, trị giá 347,47 triệu USD; Vốn vay ưu đãi: 57 dự án, trị giá 202,63 triệu USD; Hỗ trợ kỹ thuật: 82 dự án, trị giá 63,42 triệu USD.
Mặc dù thu ngân sách không đạt kế hoạch nhưng quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính - tiền tệ ở vẫn trong tầm kiểm soát, chính sách ngoại tệ và tỷ giá được duy trì khá hợp lý, tình hình đầu tư, thương mại, sản xuất kinh doanh tiếp tục ổn định và có chiều hướng phát triển, môi trường đầu tư được cải thiện một bước. Việc phát triển văn hoá xã hội và phát triển nông thôn, xoá nghèo gắn với phong trào thí điểm công tác 3 xây tiếp tục thực hiện rộng khắp xuống các cơ sở địa phương. Quan hệ quốc tế được mở rộng và nâng cao, tạo tiền đề tốt cho việc chuẩn bị tham gia Cộng đồng ASEAN (AEC) trong năm tới và tạo nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2020.
           Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Lào vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề cân đối ngân sách, thâm hụt thương mại và nợ công.

Dự báo năm 2015

           Theo báo cáo cập nhật mới nhất của WB về Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 6/10/2014, tăng trưởng kinh tế của Lào ước sẽ đạt mức trung bình 7,5% năm 2014 (thấp hơn 0,1% so với con số do Chính phủ). Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng năm 2015 được dự báo sẽ chậm lại với tốc độ tăng trưởng là 6,4%, phản ánh thời điểm vận hành các dự án thủy điện mới, tác động của chính sách tài chính chặt chẽ hơn, sự sụt giảm trong xuất khẩu gỗ sau khi tăng mạnh trong thời gian gần đây, cũng như tăng trưởng khiêm tốn ở các nước trong khu vực.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tài khóa 2014-15 đã được Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Lào khoá VII thông qua, GDP phấn đấu tăng 7,5%, tạo giá trị gia tăng hiện nay lên 102.320 tỷ kíp, tương đương 12,790 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 14,8 triệu kíp, tương đương 1.860 USD, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,0%, chiếm khoảng 23,7%; ngành công nghiệp tăng 8,9%, chiếm khoảng 29,1%; ngành dịch vụ tăng 9,1%, chiếm khoảng 39% của GDP.
           Về đầu tư, tổng giá trị đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt  8.579 tỷ kíp, trong đó vốn trong nước là 3.300 tỷ kíp, chiếm 11%; vốn viện trợ và vay là 5.279 tỷ kíp, chiếm 17% tổng vốn đầu tư.

           - ODA: Mục tiêu huy động vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay nước ngoài đạt khoảng 5.279 tỷ kíp, tương đương khoảng 660 triệu USD.

           - FDI: Phấn đấu thu hút đầu tư từ tư nhân trong và ngoài nước đạt khoảng 15.611 tỷ kíp, tương đương 1,951 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư.
           Như vậy, kế hoạch của Chính phủ đặt ra cao hơn nhiều so với dự báo của WB. Tuy nhiên kế hoạch tăng trưởng của Chính phủ cũng cho thấy năm 2015 sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2014. (Đại sứ quán Việt Nam tại Lào)

2/ Sáng kiến Sam Sang (ba xây) mang lại kết quả tích cực bất chấp những khó khăn về tài chính

           Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về phong trào Sam Sang (ba xây) đã đạt được những thành tựu trong vòng hai năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiềm năng của đất nước.
           Hội nghị toàn quốc về Sam Sang  được tổ chức tại Viêng Chăn ngày 24/11/2014 để tổng kết tiến độ, thách thức và những bài học rút ra trong quá trình thực hiện các dự án Sang Sang thí điểm ở tất cả các tỉnh. Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nước Lào Choummaly Sayasone, các Bộ trưởng và quan chức cấp cao từ các Bộ ngành, tỉnh trưởng và các quan chức địa phương từ tất cả các tỉnh.
           Ông Bounnhang, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo phong trào Sam Sang nhấn mạnh những thành tựu đạt được của dự án trong những năm gần đây, đã làm nổi lên mô hình hộ gia đình và bản làng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Sam Sang không những có đóng góp quan trọng đối với giảm nghèo cho người dân địa phương, phát triển các vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước mà còn góp phần củng cố đoàn kết, an ninh ở các địa phương.
           Chủ tịch Choummaly chỉ đạo tất cả các ngành, các cấp tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nội dung và các mục tiêu của Sam Sang để phát huy sáng kiến góp phần thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng. Ông nhấn mạnh rằng Sam Sang có ý nghĩa chiến lược, cả về ngắn hạn và dài hạn, nó không thể thực hiện được trong một sớm một chiều và phi thể thức. Cần thiết phải xây dựng kế hoạch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa.
           Sam Sang đã được đưa vào Nghị Quyết Đại hội Đảng IX, theo đó, các tỉnh sẽ là các đơn vị chiến lược, các huyện được củng cố toàn diện và các bản là những đơn vị phát triển. Quan điểm của Nghị quyết là phân cấp quản lý, trách nhiệm, lợi ích cho chính quyền địa phương một cách hợp lý.
           Trong hai năm vừa qua, dự án đã giúp cải tiến cơ cấu hành chính ở cấp huyện. những cán bộ trẻ và có kiến thức đã được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý cao hơn.
           Nhiều người dân đã chuyển từ hình thức nông nghiệp dựa vào tự nhiên sang sản xuất định hướng thị trường để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
           Trong các năm vừa qua, Chính phủ đã chi 248 tỷ Kíp cho 943 dự án để phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại 109 bản của 51 huyện trong khuôn khổ phong trào Sam Sang. (Vientiane Times, 24,25/11/2014)

3/ Sản xuất và cung ứng điện bùng nổ ở Lào

           Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, phát và cung ứng điện để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Lào trong năm tài khóa 2013-14 tăng mạnh. Sản lượng điện trong năm tài khóa vừa qua đạt 15.461,44 triệu KWh, vượt kế hoạch 6,98%, tăng 10,44% so với năm tài khóa 2012-13.
           Trong năm tài khóa 2013-14, Lào đã cung cấp tổng số 16.151,22 triệu KWh cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Cung ứng vượt sản lượng phát điện vì Lào cũng nhập khẩu điện, so với năm tài khóa trước, nhập khẩu điện đã giảm; Xuất khẩu điện đạt 12.474,45 triệu KWh, trị giá 4,88 nghìn tỷ (khoảng 610,19 triệu USD), tăng 14% so với dự báo và 18,08% so với năm tài khóa trước. Cung ứng điện trong nước đạt 3676,77 triệu KWh với giá trị khoảng 2,51 nghìn tỷ Kíp (khoảng 314,17 triệu USD); Lào đã nhập điện từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc khoảng 1234,96 triệu KWh, trị giá khoảng 537,76 tỷ Kíp (67,22 triệu USD), giảm 6,81% so năm tài khóa trước.
           Hiện nay, Lào có 25 nhà máy phát điện đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt là 3.244,6 MW. Đây là con số chưa tính các nhà máy phát điện công suất nhỏ dưới 1 MW. Trong số 15 nhà máy phát điện, 15 nhà máy thuộc quyền quản lý của các nhà sản xuất độc lập với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.853,9 MW; 10 nhà máy thuộc quản lý của Công ty Điện lực Lào, với tổng công suất lắp đặt trên 390,7 MW.
           Lào có 71 dự án thủy điện do các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển, trong đó một số dự án đang được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động trong tương lai gần. 71 nhà máy thủy điện sẽ tăng công suất lắp đặt thêm khoảng 21.668 MW với năng lực phát điện 120.000 GWh hàng năm. Trong số 71 dự án, 31 dự án đã ký MOU, 21 dự án thuộc PDA (Hợp đồng triển khai dự án), 19 dự án trong giai đoạn hợp đồng nhượng quyền, bao gồm một số đang xây dựng.
           Các dự án trên chưa bao gồm 16 dự án thủy điện do Chính phủ hay Công ty Điện lực Lào (EDL) quản lý với tổng công suất lắp đặt 909 MW, trong đó 7 dự án đang xây dựng.
Ngoài ra, Lào còn có các dự án với công suất lắp đặt dưới 15 MW thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền tỉnh, trong đó, 179 dự án đang trong giai đoạn MOU, 04 dự án trong giai đoạn xây dựng. (Vientiane Times, 01/11/2014)

4/ Suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề cản trở phát triển ở Lào

           Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh cao tiếp tục có tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên Kỷ (MDGs). Vấn đề dinh dưỡng cần thết phải giải quyết cấp bách vì tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên, hay thấp còi và vòng luẩn quẩn của nghèo đang trở nên là những trở ngại đối với phát triển.
           Đó là một thông điệp rõ ràng được tuyên bố tại Hội thảo 3 ngày về Cải thiện dinh dưỡng đối với trẻ em do Quốc hội tổ chức tại Viêng Chăn ngày từ 4-6/11/2014. Hội thảo nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc định hướng và phân bổ ngân sách cho cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ các đại biểu quốc hội trong nỗ lực của họ nhằm giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em.
           Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane nhấn mạnh rằng dinh dưỡng đối với trẻ em là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở tất cả các nước đối với phát triển hiện nay và tương lai, cũng như đối với thành quả xã hội. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến kết quả thấp như hiện nay trong lĩnh vục này, trong đó, nguyên nhân quan trọng là cách tiếp cận giải quyết vấn đề. Trước đây vấn đề này được xem như nhiệm vụ của ngành y tế, cách tiếp cận này đã được thay đổi gần đây – cần thiết phải có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau, với cách tiếp cận tổng hợp, lồng ghép.
           Quốc hội và Chính phủ Lào hiện nay đang tập trung, chú trọng vào vấn đề đẩy mạnh cải thiện dinh dưỡng trẻ em và các vấn đề liên quan như giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em.
           Để chống vấn đề suy dinh dưỡng, các đại biểu quốc hội có thể có những đóng góp quan trọng bằng cách thông qua các văn bản luật hỗ trợ dinh dưỡng trẻ em, khuyến khích Chính phủ xây dựng các chương trình và phân bổ ngân sách để xúc tiến, bảo vệ và hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ em.
           Dinh dưỡng kém trong 1000 ngày đầu trong đời của trẻ em có thể để lại hậu quả không thể sửa chữa được đối với hàng triệu trẻ em đó là thấp còi suốt đời. Trẻ em thấp còi có sức khỏe kém, dễ bị ốm đau. Trong trường học, chúng không theo kịp bàn bè. Bước vào giai đoạn trưởng thành, chúng dễ bị béo phì và dễ bị tổn thương bởi các loại bệnh không truyền nhiễm.
           Hiện nay trên thế giới có khoảng 165 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng thấp còi. Đó là một bi kịch và là sự vi phạm quyền trẻ em. Đó sẽ là gánh nặng đối với quốc gia có tỷ lệ trẻ em thấp còi cao vì các công dân tương lai này sẽ không được khỏe mạnh và không thể lao động có hiệu quả.  (Vientiane Times, 5/11/2014)

5/ Lào, Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác cấp cao

           Lào và Trung Quốc dự kiến trao đổi kinh nghiệm chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm thường xuyên cải thiện năng lực quản lý nhà nước của đảng cầm quyền.
           Theo tin từ Bộ Ngoại giao Lào, nhân dịp chuyến thăm CHDCND Lào từ ngày 31/10-3/11/2014, ông Lưu Kỳ Bảo, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương CPC đã có buổi tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone.
           Tại buổi gặp ông Lưu nói rằng, Trung Quốc và Lào là thành viên của một cộng đồng chiến lược. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Lào để đẩy mạnh hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa hai bên cùng có lợi, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.
           Chủ tịch Choummaly nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, mong muốn đẩy mạnh sự trao đổi và hợp tác giữa hai đảng và hai nước.
           Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Lưu dẫn đầu đã tham dự hội thảo lần thứ ba về lý luận giữa CPC và Đảng NDCM Lào với chủ đề: “Pháp quyền”. Trong chuyến thăm, ông Lưu đã có buổi gặp và làm việc với Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Kikeo Khaykhamphithoun, Chánh thanh tra Chính phủ Bounthong Chimany và các quan chức khác.
           Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lưu nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ kiên định con đường pháp quyền XHCN, xây dựng thể chế và đất nước XHCN mang màu sắc Trung Quốc, được quản lý bằng pháp luật.
           Phát biểu tại hội thảo, ông Bounthong đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Quốc để hai nước có thể trao đổi các bài học kinh nghiệm về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. . (Vientiane Times, 3/11/2014)

6/ Lào, Trung Quốc tăng cường quan hệ văn hóa

           Ngày 3/11/2014 Trung tâm văn hóa mới của Trung Quốc được khánh thành nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn các mối quan hệ giữa Lào và Trug Quốc. Trung tâm mới này nằm trong tổ hợp Biệt thự ASEM, trông ra sông Mê Kông, là một trong số 18 trung tâm tương tự do Trung Quốc xây dựng khắp nơi trên thế giới.
           Trung tâm được thiết kế với kết cấu mở rộng không gian linh hoạt, phù hợp để tổ chức các sự kiện văn hóa và nghệ thuật như triển lãm, biểu diễn múa hát.
           Tham gia lễ khánh thành Trung tâm Văn hóa Trung Quốc có sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên truyền BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Lưu Kỳ Bảo; Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Bosengkham Vongdara, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Guan Huabing; các quan chức cấp cao của Lào và Trung quốc.
           Trong diễn văn tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Savankhone Ramountry phát biểu rằng mục đích của Trung tâm là để tiếp tục củng cố mối quan hệ gần gũi giữa hai nước mà đã không ngừng phát triển trong hơn năm thập kỷ vừa qua. Mối quan hệ hợp tác đã mang lại thành quả hai bên cùng có lợi, sự tin cậy lẫn nhau, đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Hai nước đã ủng hộ nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực. Trung tâm văn hóa mới sẽ góp phần tăng sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước
           Lào và Trung Quốc có hợp tác song phương toàn diện không chỉ về thông tin và văn hóa mà còn về quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, tư pháp, giáo dục, y tế và thể thao.
           Hai nước cam kết duy trì liên hệ thường xuyên, trao đổi các đoàn, củng cố theo chiều sâu các mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau thông qua các hoạt động văn hóa, bao gồm biểu diễn nghệ thuật, triễn lãm ảnh và các sự kiện khác.
           Lào và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ hơn 50 năm trước. Kể từ đó, hai nước không ngừng củng cố quan hệ hợp tác lâu dài và đã nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. (Vientiane Times, 04/11/2014)

7/ Trung Quốc cung cấp khoản vay cho phát triển đô thị ở Viêng Chăn

           Trung Quốc đồng ý cung cấp khoản vay đặc biệt hơn 600 tỷ Kíp (617,5 NDT) cho các dự án phát triển đô thị tổng hợp ở Thủ đô Viêng Chăn.
           Thỏa thuận đã được ký kết tuần trước tại Văn phòng Chính Phủ giữa Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Trung Quốc Somsavat Lengsavat và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Guan Huabing. Tham dự lễ ký kết còn có các quan chức cao cấp từ các Bộ ngành liên quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào và chính quyền Viêng Chăn.
           Theo thông cáo báo chí, phát triển đô thị là một trong các dự án ưu tiên của Chính phủ, đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách để cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản tại Viêng Chăn, bao gồm cảnh quan thành phố, đường sá, các điểm nhấn trang trí và cơ sở vật chất hạ tầng khác.
           Bên cạnh đó, đây là dự án để chào mừng và kỷ niệm các ngày lễ quốc gia của Lào, đặc biệt là 60 năm ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, 40 năm Quốc khánh Lào vào năm 2015, Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ 10 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mà Lào sẽ đăng cai tổ chức năm 2016. (Vientiane Times, 24/11/2014)

8/ Lào – Trung Quốc trao đổi hợp tác đầu tư

Ngày 12/11, tại thủ đô Viêng Chăn, các đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào và Sở Hợp tác Quốc tế của thành phố Zhongxing, Trung Quốc đã gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm về khuyến khích đầu tư và thương mại. Trọng tâm thảo luận là khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và sản xuất và tăng cường quan hệ giữa doanh nhân Lào, Trung Quốc, cung cấp cơ hội cho cả hai phía. Trong 12 tháng qua, đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã tăng mạnh và đạt trên 2,7 tỷ USD. (KPLNews – 17/11/2014)

9/ ADB phê duyệt khoản vay 21 triệu USD cho ngành chăn nuôi của Lào

           Theo báo cáo ngày 25/11/2014 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ngân hàng này đã phê duyệt khoản vay 21 triệu USD để giúp Lào phát triển ngành chăn nuôi quy mô nhỏ.
           Giám đốc quốc gia thường trú của ADB Sandra Nicoll cho biết, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chiếm hơn 95% sản phẩm chăn nuôi của đất nước nhưng chủ yếu hoạt động trong môi trường thiếu quản lý, với chuỗi giá trị phân tán, hạn chế khả năng của họ trong việc tối đa hóa thu nhập trong ngành chăn nuôi.
           Việc hỗ trợ của ADB sẽ giúp liên kết các hộ chăn nuôi vào các chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi cả trong và ngoài nước, mở ra cơ hội mới về thị trường dự báo sẽ tăng mạnh trong bối cảnh thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
           Các hoạt động của dự án sẽ bao gồm đào tạo về chăn nuôi quy mô nhỏ, giết mổ, tiếp thị và các hoạt động liên quan khác để cải thiện công tác chăn nuôi, kỹ thuật giết mổ nhân đạo, tiêu chuẩn chất lượng thịt, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Cung cấp trang thiết bị chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt.
           Cùng với ADB, Quỹ phát Quốc tế Phát triển Nông nghiệp của Thụy Sỹ sẽ đồng tài trợ 10 triệu USD, Chính phủ Lào sẽ cung cấp vốn đối ứng 500.000 USD, đưa tổng số vốn của dự án lên 31,5 triệu USD. Dự án sẽ kéo dài trong 6,5 năm, đến năm 2021. (Vientiane Times, 26/11/2014)

10/ Các quốc gia không có biển đang phải đối mặt với nhiều thách thức

           Tại Hội nghị về các quốc gia đang phát triển không có biển (LLDCs) tổ chức tại Viên, Áo từ 3-5/11/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith đã có bài phát biểu nhấn mạnh những thách thức mà Lào đang gặp phải trong việc tìm cách chuyển vị thế của một quốc gia bao quanh bởi đất liền sang kết nối trên đất liền và kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác phát triển cho mục đích chuyển đổi này.
           PPT Thongoun nói rằng trong thập kỷ vừa qua, đã có những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chương trình hành động Almaty, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi thương mại, nhưng nhiều vấn đề còn phải giải quyết để giúp đỡ LLDCs. Các quốc gia này dễ bị tổn thương bởi những thay đổi toàn cầu, những tác động tiêu cực gây khó khăn đối với họ trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
           Lào là một trong 32 quốc gia kém phát triển, bao quanh bởi 05 nước: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc. Chính phủ Lào đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kết nối với các nước láng giềng để hàng hóa Lào có khả năng tiếp cận các cảng biển, qua đó làm cho đất nước hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài. (Vientiane Times, 10/11/2014)

11/ Khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy

           Nhà máy thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm ở hai tỉnh phía Nam Lào là Champassak và Attapeu đã hoàn thành được 9% khối lượng xây dựng sau khi được nhà thầu khởi công xây dựng đầu năm nay.
           Những công việc đã hoàn thành bao gồm đào đường hầm, xây dựng móng đập, đập nước, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy điện, văn phòng, đường đến dự án, bãi đỗ xe và nhà ở cho công nhân.
           Việc xây dựng văn phòng, đường đến dự án, bãi đỗ xe và nhà ở cho công nhân do công ty của Lào – Công ty xây dựng Cầu đường và Thủy lợi Phetthavone thực hiện.
           Tổng vốn đầu tư của nhà máy thủy điện khoảng 8,16 nghìn tỷ Kíp (1,02 tỷ USD) do Công ty điện Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC) xây dựng. PNPC là một liên doanh giữa Công ty xây dựng & Công trình SK (SKEC), Công ty TNHH Điện miền Tây Hàn Quốc (KOWECO), Công ty Cổ phần Điện Ratchaburi của Thái Lan (RATCH) và Công ty Cổ phần Nhà nước của Lào (LHEC).
           Dự án dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2018 và sẽ đưa vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2019. LHEC chiếm 24% cổ phần trong liên doanh, RATCH 25%, SKEC 26%, và KOWECO chiếm 25% cổ phần.
           Dự án sẽ có tổng công suất lắp đặt là 410 MW, trong đó, 10% dự kiến cho tiêu dùng trong nước, 90% (370 MW) còn lại sẽ được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Dự tính, dự án sẽ mang lại khoản thu nhập hàng năm hơn 1 nghìn tỷ Kíp (135 triệu USD) trong vòng 27 năm cho ngân sách Lào thông qua thuế, phí và cổ tức. (Vientiane Times, 29/11/2014)

12/ 3,77 triệu lượt khách du lịch đã đến Lào trong năm 2013

Ngày 31/10, Đại hội lần thứ 3 của Hiệp hội lữ hành Lào đã bầu ra ban chấp hành mới gồm Chủ tịch là ông Somphong Deviengxay, Chủ tịch của Khene Lao Travel, ông Bounthong Nanthavong và ông Saleum Khamphengvong là Phó Chủ tịch. Đại hội có sự tham dự của của ông Chaleun Varintharasak, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch. Báo cáo tại Đại hội cho thấy trong năm 2013 đã có 3,77 triệu lượt khách du lịch đến Lào (tăng 13% so với năm 2012) mang lại 600 triệu USD doanh thu. Các đại biểu đã thảo luận về tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội mới cho cộng đồng kinh doanh du lịch, thúc đẩy hội nhập công nghiệp du lịch vào thị trường khu vực và thế giới và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Số lượng khách đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 91,89% tổng khách du lịch, từ Eu chiếm 5,62%, từ Mỹ chiếm 2,27%. Lượng khách từ châu Phi và Trung Đông chiếm phần nhỏ, chỉ 0,21% tương đương 7.914 lượt người. Số lượng khách du lịch đến Lào đã tăng đều đặn trung bình 19% trong giai đoạn 1993 – 2013. Trong tổng số khách đến Lào năm 2013, 165.906 người sử dụng dịch vụ của các công ty lữ hành Lào (so với 50.754 của năm 2012). Hiệp hội lữ hành Lào hiện có 115 thành viên (KPLNews – 06/11/2014)

13/ Xây dựng đập 5MW tại Saravane

Tuần vừa qua, ông Saiyadethvong Salavane, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Saravane, ông Bounma Keo-onsa, Giám đốc Sở  Năng lượng và Mỏ và ông Hom Sihachack, Chủ tịch Công ty xây dựng cầu đường Khounkham đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) xây dựng nhà máy thủy điện 5MW Houy Ka Per Số 2 tại bản Touklouk, huyện Lau-ngam. Theo MoU, công tác nghiên cứu khả thi kéo dài gần 18 tháng và nhà thầu phải đặt cọc trước 10.000 USD (tương đương 80 triệu kíp) trong 30 ngày kể từ khi ký biên bản. (KPLNews – 17/11/2014)

14/ Doanh nghiệp tư nhân chuyển rác thành năng lượng

Ngày 13/11, Tập đoàn Khuanmeuang Inter Group, RATCH-Lao và Cơ quan quản lý và phát triển đô thị đã ký bản ghi nhớ về nghiên cứu khả thi dự án biến rác thành năng lượng tại Viêng Chăn. Theo MoU này, các công ty sẽ xây dựng nhà máy tái chế rác trị giá 38 tỷ kíp (4,7 triệu USD). Thời gian thi công trong 12 tháng. Hiện có khoảng 200.000 tấn rác tại thủ đô Viêng Chăn. Mỗi ngày chôn lấp trung bình 200 – 300 tấn. Ông Narongvij Kongsinh, Một quản lý của  RATCH cho rằng khối lượng rác này đủ cho sản xuất năng lượng và dùng cho các nhà máy sản xuất xi măng và thép thay thế cho than. RATCH-Lao cũng dự định xây dựng một nhà máy phân bón hữu cơ tại thủ đô Viêng Chăn. (KPLNews – 18/11/2014)

15/ Một số công ty khai thác mỏ không thực hiện thỏa thuận ký kết

Tại cuộc họp trong tháng 11/2014, ông Soulivong Dalavong, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết một số công ty trong nước và nước ngoài nhất là trong lĩnh vực mỏ không thực hiện được các thỏa thuận đã ký và không tuân thủ quy định. Phần lớn các trường hợp tại Phongsaly, Huaphan, Xieng Khuang, Khammuan. Quy định của cơ quan quản lý mỏ tại cấp Trung ương và địa phương không chặt chẽ và không phù hợp với quy định thuế. Các công ty khai thác mỏ không áp dụng các biện pháp chặt chẽ bảo vệ môi trường và việc đền bù cho người dân vẫn còn chưa ổn thỏa. Một vấn đề khác là một số nhà đầu tư không thuê lao động địa phương. Tổng diện tích đất tô nhượng của Lào cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là 58.000 km2 tương đương 24,73% của tổng diện tích cả nước. 124 dự án hiện trong quá trình khảo sát và thăm dò mỏ. 40 dự án khai thác mỏ đã bắt đầu khai thác và chế biến quặng. (KPLNews – 19/11/2014)

16/ Lào tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu điện

Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết, năm 2013 - 2014 tỷ lệ điện xuất khẩu sang các nước láng giềng tăng 6,62% và nhập khẩu giảm 12,37% so với năm trước. Lượng điện phân phối trong nước tăng 50%. Trong giai đoạn 2013 – 2014, giá trị sản xuất của lĩnh vực năng lượng và mỏ đã đạt 21 nghìn tỷ kíp (2,6 tỷ USD) trong đó 5,9 nghìn tỷ kíp (733 triệu USD) từ điện và 15,3 nghìn tỷ kíp (1,9 tỷ USD) từ khai thác mỏ. Theo kế hoạch năm 2013 – 2014, mục tiêu sản lượng điện là 15,1 tỷ kwh tương đương mức tăng 8,3%/năm tuy nhiên kết quả đạt được vượt hơn 4,5% sản lượng đề ra. Trong tổng số này, lượng điện xuất khẩu đạt 11,3 tỷ kwh thu về 535,4 triệu USD, tăng 6,62% so với năm trước. Lượng điện cung cấp cho tiêu dùng nội địa đạt 4,5 tỷ kwh thu về 345,4 triệu USD, tăng 49,05%. Mạng lưới truyền tải điện vẫn chưa phủ khắp cả nước do đó một số nơi vẫn phải nhập điện từ Thái Lan, Việt Nam hoặc Trung Quốc. Cùng kỳ, lượng điện nhập khẩu đạt 1,1 tỷ kwh, tốn 63 triệu USD. Tuy nhiên nhập khẩu dự kiến sẽ giảm.(KPLNews – 28/11/2014)
Đoàn Minh
Đoàn Minh
Trưởng phòng bảo vệ
Trưởng phòng bảo vệ

Tổng số bài gửi : 177
Join date : 16/11/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết